Chủ động phương án ứng phó với thiên tai ở khu vực miền núi

Sau liên tiếp các đợt thiên tai xảy ra vào những tháng cuối năm 2020, phương án ứng phó hiệu quả với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, nhất là ở khu vực miền núi của tỉnh đang đặt ra cấp thiết khi mùa mưa bão năm nay đang đến gần. Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương khu vực miền núi tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng các vùng xung yếu và xây dựng phương án ứng phó.

 Cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất - Ảnh: T.T

Cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất - Ảnh: T.T

Gần một năm trôi qua nhưng người dân xã Húc, huyện Hướng Hóa vẫn chưa hết ám ảnh bởi nỗi lo sạt lở đất xảy ra vào tháng 10/2020. Anh Hồ Văn Hiền, ở thôn Rùng cho biết: “Năm trước mưa bão, sạt lở đất làm chết người, sập nhà nên bây giờ mới thấy trời mưa thôi, bà con đã rất lo lắng. Nhà ở của dân hầu hết được làm tạm bợ, do đó mong muốn của bà con ở đây là được hỗ trợ xây nhà kiên cố để tránh trú bão an toàn”.

Theo thống kê của UBND xã Húc, có 4 thôn là Cu Dông, Tà Rùng, Ta Núc, Húc Thượng nằm trong vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần được di dời đến nơi ở mới an toàn trước mùa mưa bão năm nay. Còn tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, mỗi khi vào mùa mưa bão, 56 hộ dân với 271 nhân khẩu ở các thôn Cuôi, Cha Lỳ và bản Cooc Long lại có nguy cơ bị cô lập do ngập lụt và chia cắt bởi đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thường bị sạt lở, hư hỏng. Người dân mong muốn có nơi ở mới thuận lợi để yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế.

Theo kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có 27 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của sạt lở đất đồi, núi. Trong số 88 thôn, bản/25 xã, thị trấn thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, có 13 thôn/7 xã nằm trong phạm vi các dự án điện gió đang thi công.

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 12 xã, thị trấn với 26 công trình điện gió đang triển khai thi công. Trong đó, vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng là 12 thôn/6 xã, thị trấn với 147 hộ/670 nhân khẩu là các xã: Húc, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Liên, Tân Lập, thị trấn Khe Sanh. Qua thực tế kiểm tra, rà soát hiện trạng, tình hình của thi công các dự án điện gió cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Nguyên nhân là khi xây dựng các công trình phụ trợ, đường công vụ, nhà đầu tư thực hiện đào núi, xẻ taluy dốc đứng làm mất ổn định mái dốc, làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt. Đặc biệt các bãi thải đất có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự kiến, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân tại các khu vực lân cận, bồi lấp đất sản xuất của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, để hạn chế thấp nhất nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa lũ đang đến gần, cần phải có các giải pháp phòng ngừa cấp bách, nhất là các khu vực có nguy cơ cao tại các huyện miền núi. Trước mắt, đối với các khu vực dân cư trong phạm vi ảnh hưởng của các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa, các chủ đầu tư phải xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tua bin, xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão. Có giải pháp đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án điện gió. Riêng đối với các bãi thải đất tập kết không đúng vị trí quy định theo phương án phê duyệt, phải chuyển về đúng vị trí được phê duyệt.

Chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng phương án ứng với kịch bản rủi ro thiên tai cấp độ 3 (cấp độ lớn nhất đối với loại hình lũ quét, sạt lở đất, tương đương với mưa lũ lịch sử năm 2020). Trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể đối với việc sơ tán, di dời dân, huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó. Đề xuất sớm xây dựng các khu tái định cư để di dời dân đảm bảo an toàn trước và trong thiên tai. Đối với các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do tác động của các dự án điện gió thì chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư an toàn trước thiên tai, đồng thời hỗ trợ kinh phí bồi thường cho người dân đến nơi ở mới an toàn.

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão tại khu vực các dự án điện gió phía Tây, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, trong đó lưu ý phương án di dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời tăng cường công tác giám sát chặt chẽ quy trình thi công, phương án gia cố các vị trí san gạt, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư triển khai dự án điện gió đảm bảo tiến độ. Phê duyệt kế hoạch trồng mới 100 ha rừng để đảm bảo độ che phủ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=160092&title=chu-dong-phuong-an-ung-pho-voi-thien-tai-o-khu-vuc-mien-nui