Chủ động quản lý tư tưởng bộ đội ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9)

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc'. Thấm nhuần lời dạy của Người, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp của Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội; đơn vị có nhiều biện pháp chủ động quản lý, nắm bắt tình hình tư tưởng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Tháng 7-2024, hay tin bà nội đột ngột qua đời, Binh nhất Nguyễn Minh Tân, Chiến sĩ Khẩu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 15, Trung đoàn 1 rất lo lắng, chất lượng học tập không cao. Qua nắm tình hình, chỉ huy đơn vị động viên Minh Tân nỗ lực phấn đấu, đồng thời gọi điện hỏi thăm, chia buồn cùng gia đình. “Cán bộ các cấp gặp gỡ động viên, giải thích quy định: Đối với hạ sĩ quan - binh sĩ (HSQ-BS) nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần thì mới được giải quyết về phép. Trung đội trưởng còn cho mượn điện thoại gọi về để biết tình hình gia đình, tôi rất buồn nhưng cũng an tâm thực hiện nhiệm vụ”, Minh Tân chia sẻ.

Đại úy Phạm Văn Độ, Chính trị viên Đại đội 15 gặp gỡ động viên Binh nhất Nguyễn Minh Tân.

Đại úy Phạm Văn Độ, Chính trị viên Đại đội 15 gặp gỡ động viên Binh nhất Nguyễn Minh Tân.

Đại úy Phạm Văn Độ, Chính trị viên Đại đội 15 cho biết: “Ngoài giải thích với gia đình quy định không giải quyết phép trường hợp của Minh Tân, chúng tôi kêu gọi cán bộ, chiến sĩ đơn vị quyên góp, chia buồn với gia đình, giúp Tân thêm an tâm tư tưởng. Diễn biến tâm lý, tư tưởng của Tân được giải quyết kịp thời là một trong những biện pháp đơn vị đang thực hiện là qua giao ban từng cấp hằng ngày đều có báo cáo tình hình tư tưởng. Nhờ vậy, chúng tôi kịp thời xử lý những nảy sinh về tư tưởng, tạo sự đồng thuận, an tâm công tác cho cán bộ, chiến sĩ”.

Chiến sĩ hiện nay có ưu điểm là sự nhiệt huyết, nắm bắt, sử dụng công nghệ nhanh, khi được giao việc sẽ hoàn thành một cách tốt nhất, tuy nhiên bản lĩnh, tâm lý còn yếu trước những khó khăn.

Thượng úy Nguyễn Minh Nghĩa, Chính trị viên Đại đội 16 cho biết: “Qua các năm quản lý bộ đội, tôi thấy anh em dễ nảy sinh tư tưởng liên quan đến tình yêu, ba mẹ không hạnh phúc… Năm 2023, đơn vị có trường hợp ba mẹ chiến sĩ cãi nhau, gần đến mức phải ra tòa ly hôn, làm chiến sĩ không an tâm công tác. Trước tình hình đó, tôi nhờ Đại đội trưởng là người lớn tuổi nhất đơn vị, có kinh nghiệm gọi điện hỏi thăm, chia sẻ với những khó khăn của gia đình; còn tôi gặp gỡ động viên chiến sĩ, nhờ vậy gia đình đã thuận hòa, chiến sĩ an tâm công tác”.

Với Tiểu đoàn 307, trước khi tiếp nhận chiến sĩ mới, đơn vị tiến hành bồi dưỡng cán bộ nội dung, biện pháp quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng; trong đó, tập trung vào “100 tình huống tư tưởng có thể nảy sinh ở đơn vị và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở”, sử dụng hiệu quả “Sổ tay trung đội trưởng tiến hành công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội”.

“Cán bộ trung đội tiếp nhận, tổ chức cho chiến sĩ viết “Bản tự khai”, chủ động nắm chắc lý lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, sở thích, sở trường và thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với chiến sĩ. Đồng thời, phát huy hiệu quả Tổ tư vấn tâm lý và pháp luật, kịp thời giải quyết dứt điểm những vấn đề tư tưởng nảy sinh, giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập vào môi trường quân ngũ”, Trung tá Huỳnh Văn Dọng, Chính trị viên Tiểu đoàn 307 nêu kinh nghiệm.

Trung tá Huỳnh Văn Dọng, Chính trị viên Tiểu đoàn 307 gặp gỡ, động viên bộ đội.

Trung tá Huỳnh Văn Dọng, Chính trị viên Tiểu đoàn 307 gặp gỡ, động viên bộ đội.

Còn Đảng ủy – Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 309 xác định gia đình luôn là điểm tựa của quân nhân, là động lực để bộ đội cống hiến, nâng cao trách nhiệm với đơn vị. Thiếu tá Lê Trung Hải, Chính trị viên Tiểu đoàn 309 nêu cách làm: “Tiểu đoàn quy định hằng tuần, hằng tháng cán bộ trung đội, đại đội gọi điện hỏi thăm gia đình chiến sĩ để nắm tình hình và cùng quản lý chiến sĩ. Hay các dịp gia đình lên thăm chiến sĩ, chúng tôi đều tổ chức gặp gỡ, trao đổi, thông báo kết quả học tập, rèn luyện của chiến sĩ, giúp bà con thêm an tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm, bồi dưỡng kinh nghiệm cho cán bộ quản lý phải là người nắm chắc nhất, thông suốt nhất trước khi tiến hành công tác tư tưởng”.

Một trong những cách làm hay của Trung đoàn 1 là thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ với bộ đội) và “5 nắm” (nắm tâm tư nguyện vọng; nắm lý lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình; nắm phẩm chất đạo đức, lối sống; nắm năng lực công tác, kết quả hoàn thành nhiệm vụ và nắm mối quan hệ của bộ đội; đồng thời thực hiện “6 không” (không làm việc nhất thời, cảm hứng; không để đơn vị “bất đồng về lợi ích”; không tạo áp lực cho bộ đội; không để đơn vị mất dân chủ; không xa cách và vô cảm với hoàn cảnh khó khăn của bộ đội; không cô lập quân nhân cá biệt.

“Đảng ủy – Ban Chỉ huy Trung đoàn quán triệt Quy chế số 775 ngày 12-5-2022 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam “Về công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong QĐND Việt Nam”; đến từng cấp ủy và cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, trong quá trình quân nhân đi phép, đơn vị gọi điện cho gia đình thông báo thời gian đi phép, kết quả học tập, công tác và nhắc nhở gia đình quản lý chiến sĩ, không tham gia vào tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm quy định của địa phương. Nhờ vậy, trong thời gian qua, đơn vị không để xảy ra trường hợp cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện tư tưởng lệch lạc, luôn an tâm cống hiến, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thượng tá Trần Thành Trung, Chính ủy Trung đoàn khẳng định.

Bài và ảnh: HỮU TÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-quan-ly-tu-tuong-bo-doi-o-trung-doan-1-su-doan-330-quan-khu-9-801859