Chủ động sản xuất bền vững

Tại xã Lương Thế Trân, nếu 25 năm trước nông dân lén lút đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm, thì nay một bộ phận người dân phải tìm cách ngăn mặn, giữ ngọt để gieo sạ lúa nhằm cải tạo môi trường, giúp sản xuất hiệu quả, bền vững hơn trước thách thức của biến đổi khí hậu và môi trường tự nhiên đang ngày càng ô nhiễm.

Qua gần 25 năm độc canh con tôm, các yếu tố môi trường đã và đang bị ô nhiễm, nguồn thức ăn trong tự nhiên cạn kiệt, làm cho loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống không còn mang lại hiệu quả cao như trước. Trong khi đó, ở địa bàn giáp ranh, bà con nông dân xã Thạnh Phú duy trì sản xuất thành công mô hình lúa - tôm kết hợp, cho năng suất lúa từ 30-35 giạ/công, cá biệt có hộ đạt hơn 40 giạ/công. Từ sản xuất vụ lúa, môi trường được cải thiện, nguồn thức ăn tự nhiên được tái tạo, tôm nuôi phát triển nhanh và thu hoạch đạt năng suất cao.

Nhận thấy lợi ích của mô hình lúa - tôm kết hợp, vụ mùa năm nay, xã Lương Thế Trân có 20 hộ dân tự phát ngăn mặn, giữ ngọt theo quy mô khép kín hộ và gieo sạ được hơn 16 ha lúa (tập trung ở các ấp: Hòa Trung, Năm Ðảm và Bào Kè), bước đầu phát huy hiệu quả.

Ngành chuyên môn kết hợp chính quyền xã Lương Thế Trân kiểm tra mô hình tự phát gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Ngành chuyên môn kết hợp chính quyền xã Lương Thế Trân kiểm tra mô hình tự phát gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Hộ ông Nguyễn Chí Nguyện, ấp Bào Kè, 1 trong 20 hộ tự phát gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm, cho biết, ngay sau khi học hỏi kinh nghiệm sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm, gia đình bắt tay vào khâu cải tạo đất, kết hợp rửa mặn với diện tích hơn 1 ha và chọn giống lúa nhóm A gieo sạ. Nhờ làm tốt khâu rửa mặn nên ruộng lúa phát triển rất tốt. “Những năm gần đây, gia đình nuôi tôm không đạt hiệu quả, tôm nuôi chậm lớn và thường xuyên bị thiệt hại. Thấy nông dân xã Thạnh Phú trồng vụ lúa, sau đó nuôi tôm trúng nên năm nay gia đình quyết tâm làm theo. Hy vọng vụ sản xuất thành công”, ông Nguyện chia sẻ.

Hộ bà Trần Thị Sẩm, ấp Năm Ðảm, có diện tích nuôi tôm hơn 1 ha. Chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những lão nông ở xã Thạnh Phú, gia đình đã gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm. Mục tiêu của gia đình không phải chạy theo phong trào, mà hướng đến sản xuất bền vững.

Ðiểm mới trong sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm của nông dân xã Lương Thế Trân là, trong quá trình cải tạo đất và rửa mặn, bà con vẫn duy trì thả tôm, cua bình thường (không thực hiện cắt vụ). Bà con dùng lưới mành rào xung quanh mương để ngăn ngừa cua nuôi thoát ra bên ngoài khi bơm tát nước. Ngay sau khi gieo sạ lúa, bà con duy trì mực nước phù hợp cho cây lúa phát triển, tôm, cua có điều kiện lên mặt ruộng tìm kiếm thức ăn tự nhiên, từ đó giúp tôm, cua phát triển và thu hoạch thường xuyên, không làm ảnh hưởng đến thu nhập của bà con trong quá trình gieo sạ vụ lúa.

Ông Châu Văn Hoàng, ấp Bào Kè, phun phân bón lá hỗ trợ ruộng lúa chắt hạt để thu hoạch đạt năng suất cao.

Ông Châu Văn Hoàng, ấp Bào Kè, phun phân bón lá hỗ trợ ruộng lúa chắt hạt để thu hoạch đạt năng suất cao.

Ông Châu Văn Hoàng, ấp Bào Kè, vui mừng chia sẻ: “Dù địa phương không nằm trong vùng khép kín, nhưng gia đình tự phát gieo sạ vụ lúa - tôm vào năm 2023. Tuy thành công nhưng không cao do chưa có kinh nghiệm trong khâu cải tạo đất và rửa mặn. Năm nay gia đình học hỏi kinh nghiệm và gieo sạ 1 ha lúa - tôm, hiện phát triển tốt, năng suất ước đạt khoảng 30 giạ/công”.

Ông Ðoàn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết, xã Lương Thế Trân không nằm trong hệ thống cống Tiểu vùng Nam Cà Mau, địa phương không khuyến khích gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhưng bà con nông dân tự phát gieo sạ, bước đầu lúa - tôm phát triển khá tốt và có một số diện tích sắp thu hoạch. Chính quyền địa phương đang phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình này trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Việt Tiến

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-san-xuat-ben-vung-a35800.html