Chủ động, sáng tạo trong đảm bảo công tác hậu cần
Năm 2022, Cục Hậu cần, Bộ Công an vinh dự được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc'. 6 tháng đầu năm 2023, Cục Hậu cần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 tập thể; nhiều lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.
Theo chân đoàn công tác của Cục Hậu cần do Thiếu tướng Phạm Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hậu cần dẫn đầu đi kiểm tra công trình văn hóa - Nhà hát Hồ Gươm vào thời điểm nước rút trước khi khánh thành, chúng tôi bày tỏ sự thán phục trước vẻ đẹp về kiến trúc và ý nghĩa của công trình.
Bởi, đây là một thiết chế văn hóa với không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống; có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; có kết nối với công trình văn hóa lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hóa của Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hòa bình.
Có thể nói, công trình kiến trúc văn hóa mang tính biểu tượng của lực lượng CAND và góp phần tô thắm biểu tượng của TP Hà Nội; kết hợp giữa tính dân tộc với sự hội nhập quốc tế, truyền thống dân tộc với tinh hoa nhân loại trong quá trình thiết kế, xây dựng, thi công, đặc biệt là kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, kiến trúc, hội họa.
“Công trình cơ bản đã hoàn thành, nhưng, như thế vẫn là chưa đủ, mà phải đạt đến độ “hoàn mỹ” thì chúng tôi mới hài lòng. Bởi lẽ, đây là một trong những dự án đầu tư xây dựng trọng điểm mà Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tin tưởng, giao Cục Hậu cần làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng bằng ý chí, tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo, CBCS trong đơn vị”, Thiếu tướng Phạm Văn Sơn nói rồi cùng đoàn công tác tiếp tục công việc kiểm tra chất lượng từng hạng mục.
Cán bộ hậu cần ở bất cứ nơi đâu cũng vậy, họ phải là những người “nghĩ trước, lo trước, làm trước”; phải bỏ công sức, trí tuệ lên phương án, xây dựng kế hoạch bảo đảm hậu cần; phải lo toan công tác chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng; rồi trực tiếp phục vụ hoặc vận hành, chỉ đạo vận hành công tác bảo đảm; tiếp đó là khâu kiểm tra, định hướng, uốn nắn kịp thời, sâu sát, cụ thể; cuối cùng là công đoạn “dọn dẹp hậu trường” sau mỗi nhiệm vụ…
Với vai trò là đơn vị trực thuộc Bộ, có chức năng giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện công tác hậu cần quản trị cơ quan Bộ, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng; tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng ở cơ quan Bộ; trực tiếp quản lý các nhà khách, nhà nghỉ dưỡng, nhà công vụ thuộc Bộ Công an theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an, CBCS Cục Hậu cần luôn chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm công tác hậu cần… trong mọi tình huống.
Do vậy, thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Cục Hậu cần đã chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị, ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh, giải pháp công tác đảm bảo hậu cần quản trị. Tập trung kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, mệnh lệnh công tác của các đơn vị thuộc Cục, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý hành chính, để xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo thực hiện tốt công tác hậu cần quản trị cơ quan Bộ; đồng thời, chủ động ban hành các văn bản quản lý hành chính để đưa các hoạt động của đơn vị đi vào nền nếp.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Cục Hậu cần đã xây dựng, ban hành 1.003 quyết định; 5 chương trình, 66 kế hoạch về công tác hậu cần, quản trị cơ quan Bộ; ban hành Lịch thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Cục Hậu cần; xây dựng 143 báo cáo định kỳ, chuyên đề về công tác hậu cần, quản trị cơ quan Bộ đảm bảo quy định; tham gia ý kiến vào 20 dự thảo văn bản của các đơn vị trực thuộc Bộ theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Tham mưu lãnh đạo Bộ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ…
Công tác thu chi được đảm bảo, đáp ứng kịp thời, cơ bản yêu cầu chi tiêu thường xuyên, đột xuất, không để xảy ra sai sót, nhầm lẫn, thiếu quỹ, kiểm kê quỹ thường xuyên đúng quy định. Theo dõi, bám sát các nguồn kinh phí chuyển đến và đi, thực hiện tốt công tác giải ngân, không để xảy ra thu hồi, thất thoát kinh phí.
Tổ chức triển khai, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo dự toán giao, cân đối chi theo tiến độ kế hoạch đề ra; cân đối, sắp xếp các nhiệm vụ chi trong tổng dự toán được giao, đảm bảo đáp ứng đủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an.
Công tác mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, văn phòng phẩm được thực hiện hiệu quả, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn của các đơn vị. Tổ chức trực, vận hành các hệ thống kỹ thuật 24/24h (cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ) tại trung tâm thông tin chỉ huy tại trụ sở Bộ Công an và một số trụ sở khác đóng tại TP Hà Nội. Tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh sự cố về điện, nước, thang máy, điều hòa, phòng cháy chữa cháy, giám sát an ninh qua camera. Xây dựng các hạng mục cần được bảo trì và triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị.
Bên cạnh đó, tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo các bữa ăn, hội nghị, các đoàn khách và CBCS đi công tác. Đặc biệt, trước hình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã xây dựng phương án phục vụ ăn trưa đối với CBCS đảm bảo an toàn, giãn cách, hạn chế tối đa ăn tập trung.
6 tháng đầu năm 2023, Cục Hậu cần đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo hậu cần phục vụ ăn, nghỉ tại nhà khách, nhà công vụ, nhà ăn, nhà nghỉ dưỡng. Các nhà khách đón tiếp, phục vụ hơn 70 nghìn lượt khách, hơn 35 nghìn lượt phòng, 79 hội nghị, tập huấn, hội thảo; các nhà công vụ thực hiện bố trí, sắp xếp chỗ ở cho CBCS, nhân viên của các đơn vị theo quy định…
“Xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt trong thời gian thực hiện Đề án của Bộ về kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an các đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh.
Cục Hậu cần tiếp tục quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn thể CBCS, công nhân viên, lao động hợp đồng nhằm ý thức trách nhiệm trong việc phát huy truyền thống, danh dự của lực lượng CAND, nâng cao lý tưởng, đạo đức cách mạng, ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật; tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao”, Thiếu tướng Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.