Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, xây dựng Tổng cục Kỹ thuật vững mạnh toàn diện

Kế thừa và phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước, Đảng ta và Bác Hồ rất coi trọng vai trò của vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) và sớm có những chủ trương, giải pháp để bảo đảm VKTBKT cho các lực lượng vũ trang (LLVT).

Từ thời kỳ vận động cách mạng tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, cơ bản chúng ta phải tự bảo đảm VKTBKT cho các LLVT chiến đấu, làm nòng cốt cùng với toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với việc sản xuất vũ khí, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, bảo đảm trang bị và bảo đảm kỹ thuật từng bước hình thành và phát triển. Các đơn vị tiền thân của Tổng cục Kỹ thuật (TCKT): Cục Quân giới, Cục Quân khí (trực thuộc Tổng cục Cung cấp) đã tích cực nghiên cứu, sáng chế, tiếp nhận, cung cấp, vận chuyển bảo đảm VKTBKT từ vùng giải phóng đến các mặt trận, góp phần bảo đảm vũ khí, đạn dược cho LLVT chiến đấu, bẻ gãy chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, “bình định” của địch, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng (BQP) đã lãnh đạo, chấn chỉnh lại hệ thống chỉ đạo công tác kỹ thuật (CTKT) toàn quân. Thực hiện chủ trương trên, hệ thống các cơ quan, đơn vị kỹ thuật được củng cố cả về tổ chức, lực lượng, phương thức bảo đảm và nguồn dự trữ VKTBKT. Ngày 5-4-1974, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) ra Nghị quyết số 39/QUTW về việc thành lập TCKT. Nghị quyết xác định: "TCKT có chức năng là cơ quan giúp QUTƯ và BQP chỉ đạo các công tác bảo đảm và quản lý trang bị, bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho các LLVT, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự và trực tiếp quản lý xí nghiệp quốc phòng...”. Ngày 18-7-1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 2271/BCT về thành lập Đảng bộ TCKT. Thực hiện Nghị quyết số 2271/BCT của Bộ Chính trị và xét đề nghị của BQP về thành lập TCKT, ngày 10-9-1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, thay mặt Hội đồng Chính phủ ký Nghị định số 211/CP về việc thành lập TCKT thuộc BQP. TCKT được thành lập đánh dấu bước phát triển quan trọng của CTKT toàn quân, tạo điều kiện thuận lợi để ngành kỹ thuật quân đội thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ một cơ quan đầu ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

 Lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Kỹ thuật tham quan gian trưng bày mô hình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại Đại hội Đảng bộ Tổng cục Kỹ thuật lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: THÙY DƯƠNG.

Lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Kỹ thuật tham quan gian trưng bày mô hình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại Đại hội Đảng bộ Tổng cục Kỹ thuật lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: THÙY DƯƠNG.

Ngay sau khi thành lập, TCKT phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong toàn quân bảo đảm kịp thời cho chiến trường miền Nam 27.400 tấn vũ khí, đạn dược và tạo nguồn dự trữ trên tuyến vận tải chiến lược hàng vạn tấn; bổ sung hàng nghìn xe các loại, hàng nghìn tấn phụ tùng xe máy, hàng chục tấn phụ tùng để sửa chữa vũ khí, khí tài, đạn dược, bảo đảm phụ tùng đồng bộ súng, pháo, phương tiện cho các khẩu đội, đại đội và tiểu đoàn... Riêng công tác BĐKT, tổng cục bổ sung đầy đủ cho chiến trường miền Nam các tổ bảo dưỡng, trạm tiểu tu xe, trạm sửa chữa súng, pháo... và bố trí cán bộ, nhân viên kỹ thuật có năng lực vào giúp các đơn vị lắp đặt máy và trực tiếp bảo dưỡng, sửa chữa các loại VKTBKT. Ngoài việc vận chuyển bảo đảm VKTBKT và BĐKT cho các đơn vị trên chiến trường miền Nam, tổng cục còn chỉ đạo và thực hiện tốt việc thiết kế, xây dựng xưởng sản xuất lựu đạn, mìn, xưởng quân cụ, xưởng đại tu xe; sản xuất, cải biên vũ khí hỏa lực, phụ tùng xe máy, sửa chữa phục hồi các cụm máy, súng, pháo; sản xuất ngòi đạn B40, B41, ngòi đạn pháo... Tổng cục đã phối hợp tổ chức tiếp quản, thu hồi, quản lý, vận chuyển VKTBKT thu được của địch cung cấp cho các chiến dịch. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TCKT đã điều động 811 cán bộ đi chiến trường; đồng thời chỉ đạo, bảo đảm trang bị, BĐKT cho 5 cánh quân chủ lực, với khối lượng VKTBKT rất lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước sang giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho TCKT những yêu cầu ngày càng cao. TCKT đã chỉ đạo chấn chỉnh hệ thống kho tàng từ cấp chiến lược, chiến dịch đến cấp trung đoàn; tiếp nhận viện trợ hàng chục vạn tấn VKTBKT với nhiều chủng loại; chỉ đạo bảo đảm VKTBKT cho cả 3 thứ quân SSCĐ. Các nhà máy của tổng cục nhanh chóng ổn định sản xuất, sửa chữa VKTBKT cho đơn vị, ưu tiên các đơn vị ở tuyến biên giới, hải đảo. Tổng cục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm VKTBKT cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội và tăng cường tiềm lực quốc phòng, năm 1994, Đảng ủy, chỉ huy tổng cục tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTƯ), BQP ban hành Chỉ thị số 216/CT-QP ngày 14-3-1995 về phát động toàn quân thực hiện Cuộc vận động "Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm" (sau đó bổ sung thêm mục tiêu "an toàn giao thông"). Năm 2007, TCKT đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là QUTƯ) ra nghị quyết chuyên đề 382/NQ-ĐUQSTW ngày 29-11-2007 "Về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới". Những năm gần đây, tổng cục đã tham mưu, đề xuất với QUTƯ, BQP phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều đề án về BĐKT cho VKTBKT công nghệ cao, hiện đại; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống kho VKTBKT toàn quân; quy hoạch cơ sở sửa chữa VKTBKT toàn quân; tổ chức lực lượng ngành kỹ thuật và TCKT.

Cùng với việc hoàn thành tốt chức năng tham mưu, đề xuất chiến lược cho QUTƯ, BQP lãnh đạo, chỉ đạo CTKT quân sự và chỉ đạo CTKT toàn quân, tổng cục thường xuyên quan tâm chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp xây dựng cơ sở mới khang trang, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sửa chữa, cải tiến VKTBKT, sản xuất vật tư kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; chỉ đạo các nhà trường, viện tích cực nghiên cứu, triển khai hàng trăm đề tài, công trình khoa học cấp Nhà nước, cấp BQP. Cùng với đó, TCKT đã tham mưu và thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước bạn truyền thống. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành kỹ thuật quân đội và TCKT đã xây đắp nên truyền thống "Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường". Với những thành tích xuất sắc TCKT và các đơn vị trực thuộc tổng cục được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 2 Huân chương Sao Vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 4 Huân chương Quân công; 21 đơn vị và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 1 đơn vị được tặng danh hiệu Thành đồng Tổ quốc; 6 đơn vị và 13 cá nhân được Nhà nước Lào, Campuchia tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, Huân chương Tự do, Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng khác.

Những năm tới, quân đội tiếp tục xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, vì vậy yêu cầu nhiệm vụ CTKT ngày càng nặng nề hơn. TCKT triển khai thực hiện nhiều đề án chiến lược của ngành kỹ thuật, trong điều kiện nguồn lực có hạn. Việc điều chỉnh tổ chức biên chế, giải thể, sáp nhập một số cơ quan, đơn vị đặt ra yêu cầu cao đối với công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách trong tổng cục. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, TCKT tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”, chủ động tham mưu cho QUTƯ, BQP và chỉ đạo xây dựng ngành kỹ thuật toàn quân theo hướng “chính quy, tinh, gọn, mạnh, thống nhất và đồng bộ”. Tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới; thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án; điều chỉnh quy hoạch và củng cố nâng cấp hệ thống kho kỹ thuật toàn quân; đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở sửa chữa VKTBKT, sản xuất vật tư kỹ thuật; từng bước làm chủ công nghệ sửa chữa VKTBKT mới, công nghệ cao; bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ VKTBKT cho các nhiệm vụ; chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật quân sự trong tình hình mới. Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc, TCKT thực hiện nghiêm các quyết định về tổ chức lực lượng, thực hiện giải thể, sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng Đảng bộ TCKT vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng TCKT vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực”...

Thiếu tướng TRẦN DUY HƯNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-sang-tao-tu-luc-tu-cuong-xay-dung-tong-cuc-ky-thuat-vung-manh-toan-dien-634759