Chủ động tạo chuyển biến từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia

3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) triển khai trên địa bàn TP. Huế giai đoạn 2021–2025 đã tạo chuyển biến tích cực về hạ tầng, sinh kế, giảm nghèo và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Chiều 29/4, UBND thành phố tổ chức hội nghị tổng kết 3 CTMTQG trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và đề xuất giai đoạn 2026-2030.

Tham dự hội nghị có các ông: UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình; UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh.

Vượt khó

Thông tin tại hội nghị, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn TP. Huế giai đoạn 2021–2025 triển khai trong điều kiện nhiều biến động về tổ chức hành chính, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.

Tuy nhiên, trong 5 năm, đã triển khai 346 hạng mục công trình hạ tầng nông thôn, từ giao thông, thủy lợi, trường học đến nhà văn hóa, chợ an toàn thực phẩm… với tổng vốn đầu tư trên 1.044 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt kết quả vượt bậc, trong đó có sản phẩm Bún bò Huế gia vị hoàn chỉnh đạt 5 sao cấp quốc gia.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang hướng hữu cơ, công nghệ cao, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, Huế đã đạt 97,4% xã đạt tiêu chí số 5 (giáo dục–y tế) vào đầu năm 2025, dự kiến hoàn thành 100% vào cuối năm…

Giai đoạn 2021–2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm từ 4,93% còn 1,4%, dự kiến dưới 1,2% vào cuối năm 2025 – vượt chỉ tiêu và về đích sớm 1 năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm mạnh từ 50,2% còn 24,1%. Nhiều mô hình sinh kế được hỗ trợ triển khai: Nuôi bò, gà, cá, trồng cây ăn quả… với 895 hộ tham gia, trong đó có 372 hộ nghèo và 133 hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt, 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển dự kiến sẽ thoát khỏi tình trạng khó khăn vào cuối năm 2025.

 Lãnh đạo thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Lãnh đạo thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Đối với Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, TP. Huế đã huy động hơn 780 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó ngân sách Trung ương chiếm trên 620 tỷ đồng. Các dự án đã tạo ra nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng sống, kết nối giao thông, cải thiện nhà ở và sinh kế. Cùng với đó, các chỉ số giám sát, đánh giá được xây dựng bài bản giúp quản lý hiệu quả các mục tiêu.

Bên cạnh những thành quả, hội nghị cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai các CTMTQG, đó là cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu hụt nguồn lực và năng lực tổ chức, đội ngũ cán bộ chưa ổn định, khó khăn địa hình và thiên tai, thiếu chủ động ở cơ sở, chuyển đổi số và công nghệ gặp khó, các chỉ tiêu về thu nhập, môi trường, sản xuất…

Giai đoạn 2026–2030, Huế xác định tiếp tục xây dựng NTM theo hướng hiện đại, xanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mục tiêu là hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và vùng quê đáng sống.

Tổng nhu cầu vốn thực hiện các CTMTQG trên địa bàn ước tính khoảng 10.550 tỷ đồng, trong đó phần lớn từ tín dụng, lồng ghép chương trình khác và huy động xã hội hóa. Thành phố kiến nghị Trung ương sớm ban hành bộ tiêu chí mới, cơ chế chính sách phù hợp, đặc biệt ưu tiên phân bổ vốn cho khu vực miền núi, vùng ven biển, địa bàn khó khăn. Riêng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm hộ nghèo dưới 10%, có 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều mô hình tiêu biểu

Tại hội nghị, tham luận của các cơ quan, đơn vị đã cho thấy bức tranh sinh động và toàn diện trong triển khai các CTMTQG. Từ các địa phương, đơn vị cơ sở đến tổ chức đoàn thể, tất cả đang cùng chung tay, góp sức trên hành trình xây dựng một đô thị di sản – nông thôn hiện đại – cộng đồng vững mạnh.

Ở TX. Hương Trà, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được triển khai bài bản, quyết liệt. Mỗi căn nhà hỗ trợ đều đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng”, tuổi thọ trên 20 năm. Hương Trà cũng kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ thêm cho các hộ gặp khó khăn về đất ở, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội đồng hành với chính quyền để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát.

 Lãnh đạo thành phố trao Giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao: “Bún bò Huế - Gia vị hoàn chỉnh”

Lãnh đạo thành phố trao Giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao: “Bún bò Huế - Gia vị hoàn chỉnh”

Tại Quảng Điền, từ nền tảng 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện đã có 11 thôn được công nhận kiểu mẫu, 117 vườn mẫu, hàng chục tuyến đường hoa, cảnh quan xanh–sạch–đẹp. Huyện không chỉ có cơ chế hỗ trợ thiết thực (100 triệu đồng/thôn đăng ký, 200 triệu đồng khi được công nhận), mà còn đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy vai trò chủ thể của người dân.

Thành Đoàn Huế cũng cho biết về vai trò thanh niên trong chương trình khởi nghiệp và xây dựng NTM. Những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu như sản phẩm Huenuts, bánh ép Huế, hay mô hình drone nông nghiệp AgriDrone của Nguyễn Văn Thiên Vũ đã khẳng định sự sáng tạo của giới trẻ.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Huế khẳng định vai trò trung tâm trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình ghi nhận những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, ông Bình cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại cần được tập trung xử lý trong thời gian tới.

Theo ông Bình, dù hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển đáng kể, nhưng các chỉ tiêu về thu nhập, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm… vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa tạo ra sự khác biệt rõ nét so với các địa phương trong khu vực. Một số xã đạt chuẩn NTM ở giai đoạn trước hiện không đạt theo bộ tiêu chí mới, còn nhiều xã chưa đạt chuẩn nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các chương trình còn gặp trở ngại do địa hình phức tạp, thiên tai diễn biến bất thường, tiến độ giải ngân chậm, năng lực triển khai của một số đơn vị còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc.

Để khắc phục, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát, phân cấp nhiệm vụ trước ngày 30/6/2025. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công; nâng cao năng lực cán bộ, nhất là ở cơ sở; phát huy vai trò giám sát và tham gia tích cực của người dân trong triển khai các chương trình…

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/chu-dong-tao-chuyen-bien-tu-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-153186.html