Chủ động tạo nguồn, bảo đảm kịp thời xăng dầu cho các nhiệm vụ
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, gây ảnh hưởng tiêu cực, làm giá xăng dầu trên toàn cầu biến động phức tạp, nguồn cung xăng dầu khó khăn.
Trước thực trạng đó, ngành xăng dầu Quân đội đã chủ động triển khai các giải pháp, sẵn sàng bảo đảm đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho các nhiệm vụ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần) về nội dung này.
Phóng viên (PV): Công tác bảo đảm xăng dầu trong Quân đội hiện nay gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Từ đầu năm 2023, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; xung đột quân sự Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại; cùng với đó, suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, phát triển của các quốc gia, khiến giá xăng dầu tiếp tục biến động với biên độ lớn, nguồn cung xăng dầu khó khăn. Trong Quân đội, toàn quân tiếp tục thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng đồng bộ, hiện đại một số quân, binh chủng, lực lượng dẫn tới nhu cầu bảo đảm xăng dầu lớn, trong khi biên chế của ngành tiếp tục giảm...
PV: Cuối năm 2022, Cục Xăng dầu đã chủ động tạo nguồn xăng dầu đặc chủng trong nước. Công tác này được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Năm 2022, do gặp khó khăn rất lớn trong tạo nguồn các sản phẩm xăng dầu đặc chủng nhập khẩu, đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn bảo đảm, Cục Xăng dầu tham mưu, đề xuất với thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và Bộ Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt cấp phép các danh mục xăng dầu đặc chủng dùng cho quốc phòng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về sửa đổi một số điều liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Sau khi được phê duyệt, Cục Xăng dầu triển khai trình tự các bước mua xăng dầu đặc chủng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo đúng quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng, tập trung vào các loại nhiên liệu đặc chủng sử dụng cho các loại trang bị, khí tài của một số đơn vị, lực lượng.
Quá trình thực hiện, Cục phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, trực tiếp là Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất kịp thời các lô hàng cho quốc phòng, bảo đảm cho các đơn vị sử dụng; cử cán bộ có trình độ, kinh nghiệm tham gia giám sát chặt chẽ chất lượng từ khâu kiểm tra nguồn dầu thô đến các công đoạn của quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. Nhờ đó, sản phẩm bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
PV: Từ kết quả trên, Cục Xăng dầu có những giải pháp gì để chủ động nguồn xăng dầu trong nước?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Hiện nay, chúng ta đang phải nhập khẩu rất nhiều chủng loại nhiên liệu, dầu mỡ đặc chủng. Để bảo đảm đủ, kịp thời xăng dầu cho Quân đội thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống, Cục Xăng dầu đang phối hợp với những đơn vị có nhu cầu sử dụng xăng dầu đặc chủng lớn để xác định các chủng loại tương đương được phép thay thế. Từ đó, chủ động tìm nguồn hàng của các doanh nghiệp trong nước sản xuất, nhập khẩu và các hãng uy tín trên thế giới để thay thế sử dụng xăng dầu đặc chủng nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống. Cục chủ động phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, hợp tác với một số đơn vị nước ngoài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cấp phép sản xuất, sử dụng dầu mỡ đặc chủng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quân sự về xăng dầu và hệ thống danh mục xăng dầu sử dụng thay thế để dự trữ công nghệ cho quốc phòng đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.
PV: Chuyển đổi số công tác hậu cần Quân đội đang được ngành hậu cần đặc biệt quan tâm, Cục Xăng dầu thực hiện nội dung này như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Cùng với các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần và ngành hậu cần Quân đội, Cục Xăng dầu đã triển khai ứng dụng các phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung, chuẩn hóa các mẫu biểu, văn bản bằng hình thức số hóa... từng bước triển khai phần mềm quản lý xăng dầu, phương tiện kỹ thuật-vật tư xăng dầu tại một số đơn vị toàn quân và xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin của Cục như: Phòng điều hành chuyển đổi số, hệ thống camera giám sát thông minh các kho xăng dầu, mạng LAN... Đến nay, cán bộ, nhân viên Cục Xăng dầu đã có tư duy, nhận thức tích cực về chuyển đổi số, nhờ đó, tiết kiệm thời gian, kinh phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác...
PV: Dự báo công tác bảo đảm xăng dầu trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, phức tạp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục Xăng dầu có những định hướng, chỉ đạo cụ thể gì?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Thời gian tới, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xăng dầu cả trong và ngoài nước khó dự báo; để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm xăng dầu, phương tiện kỹ thuật-vật tư xăng dầu, Cục Xăng dầu tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác xăng dầu; duy trì nghiêm lượng dự trữ theo quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng tốt, phù hợp với phương án tác chiến. Chỉ đạo các đơn vị toàn quân tăng cường quản lý sử dụng hạn mức xăng dầu đúng nhiệm vụ, tiết kiệm, hiệu quả ngay từ khâu lập nhu cầu, phân bổ xăng dầu cho các nhiệm vụ; chủ động triển khai kế hoạch tạo nguồn, mua sắm xăng dầu theo ngân sách Bộ giao, đạt hiệu quả cao nhất.
Cùng với đó, Cục Xăng dầu tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, phúc tra công tác phân bổ, quản lý sử dụng, công tác an toàn kho, trạm xăng dầu tại các đơn vị. Tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng một số kho xăng dầu để kịp thời đưa vào chứa trữ xăng dầu đặc chủng, đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua của ngành về “Quản lý sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!