Chủ động tháo gỡ khó khăn chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020 - 2021 sẽ chính thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới trên phạm vi toàn quốc. Giáo dục Tiểu học là cấp học đầu tiên có nhiều thay đổi. Đây là giai đoạn nước rút trong công tác chuẩn bị của ngành Giáo dục để chuẩn bị áp dụng chương trình dạy học mới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn ông PHAN HỮU HUYỆN, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT.

- Thưa ông! Chương trình GDPT mới sẽ được áp dụng đầu tiên cho lớp 1 trong năm học tới.Với một chương trình hoàn toàn mới như vậy thì ngành GD&ĐT Quảng Trị gặp những khó khăn, trở ngại gì khi thực hiện?

- Ngành GD&ĐT Quảng Trị gặp nhiều thách thức trong việc triển khai chương trình GDPT mới. Trước hết, chương trình GDPT mới được triển khai trong thời gian tới với định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học bằng việc dạy học tích hợp và lồng ghép, dạy học phân hóa, trải nghiệm… đó là những thách thức không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên.

Mặc dù, cơ bản đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn về trình độ đào tạo, nhưng thực tế giáo viên vẫn chưa thực sự đổi mới phương pháp dạy học, nhất là giáo viên công tác ở miền núi, ít có điều kiện nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức. Hiện giáo dục Quảng Trị vẫn còn tình trạng mất cân đối, không đồng bộ trong cơ cấu đội ngũ ở các địa bàn khác nhau như tình trạng thừa giáo viên ở các trung tâm, thành phố, thị xã, thị trấn nhưng lại thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thừa giáo viên dạy văn hóa nhưng lại thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù, tự chọn và theo ngành nghề đào tạo… Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp cũng như các trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở các địa phương cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nên các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ gặp khó khăn khi bắt buộc phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT mới. Một khó khăn nữa là việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo thời lượng 20% chương trình học của GDPT mới còn gặp nhiều khó khăn lúng túng, vì đây là một lĩnh vực mới cần sự phối hợp của nhiều ngành để xây dựng một chương trình phù hợp điều kiện địa phương.

- Thời gian cho công tác chuẩn bị không còn nhiều, ngành GD&ĐT Quảng Trị đã đưa ra giải pháp nào để khắc phục những khó khăn tồn tại trên, thưa ông?

- Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản kịp thời chỉ đạo các cấp ủy chính quyền, huy động các lực lượng trong hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các giải pháp chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới.

Trước mắt, sở đã tổ chức các hội nghị, hội thảo quán triệt sâu rộng văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức kịp thời cho cán bộ quản lí, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kĩ nội dung chương trình GDPT mới. Sở phối hợp Sở Nội vụ tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên toàn tỉnh, trên cơ sở đó đánh giá tình trạng thiếu - thừa về số lượng giáo viên giữa các địa phương trong tỉnh để có phương án luân chuyển giáo viên trong tỉnh hợp lí. Đồng thời chỉ đạo các Phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học để kịp thời có phương án điều chuyển, bổ sung đội ngũ phù hợp với thực tế của từng đơn vị trường học. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, lựa chọn cán bộ quản lí, giáo viên để sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn theo đúng thành phần, số lượng của chương trình dạy học mới.

 Hoạt động ngoài giờ lên lớp góp phần phát triển kĩ năng cho học sinh. Ảnh: LT

Hoạt động ngoài giờ lên lớp góp phần phát triển kĩ năng cho học sinh. Ảnh: LT

Trên cơ sở các tài liệu, văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sở đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lí cốt cán về thiết kế dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp. Hội đồng bộ môn các môn văn hóa đã tổ chức nhiều chuyên đề dạy học tích hợp liên môn của các môn học. Sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, trong đó lồng ghép tích hợp các nội dung bồi dưỡng giữa bồi dưỡng thường xuyên và định hướng nội dung bồi dưỡng về đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục công tác bổ sung, điều chuyển đội ngũ; đảm bảo có đủ giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy các môn và hoạt động giáo dục nhất là các môn tiếng Anh, Tin học… theo đúng chương trình GDPT mới được quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT. Thời gian tới ngành sẽ tiến hành triển khai các lớp bồi dưỡng đại trà đến tận cán bộ quản lí, giáo viên các cơ sở giáo dục, trước hết ưu tiên bồi dưỡng giáo viên lớp 1.

- Triển khai dạy học 2 buổi/ngày là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện tốt chương trình GDPT mới. Theo ông, trong tình hình hiện nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn liệu có đủ điều kiện để áp dụng việc dạy học 2 buổi/ngày?

- Thực tế ở Quảng Trị, do xuất phát điểm thấp nên đến nay cơ sở vật chất trường học ở nhiều địa phương, nhất là trường học vùng núi chỉ mới đáp ứng cho dạy học một buổi. Một số đơn vị vẫn còn phòng học mượn, phòng học tạm...Vì vậy, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động bán trú thực hiện chưa mang lại hiệu quả cao.

Hiện toàn tỉnh còn gần 15% học sinh chưa được học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), trong đó huyện miền núi Hướng Hóa học sinh học 2 buổi ngày mới đạt tỉ lệ 55%. Một khó khăn nữa là tỉ lệ học sinh bán trú còn thấp, toàn tỉnh chỉ có hơn 23% học sinh bán trú, nguyên nhân là do cơ sở vật chất phục vụ lớp bán trú chưa đáp ứng được; nguồn đầu tư kinh phí từ ngân sách để xây dựng phòng học, nhà bếp, nhà ăn cho học sinh còn hạn hẹp. Vừa qua, dù ngành đã tinh giảm được một số đơn vị trường học, biên chế, bộ máy tổ chức được tinh gọn hơn song lại làm phát sinh nhiều bất cập trong công tác quản lí và tổ chức hoạt động giáo dục, nhất là việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở một số đơn vị vẫn còn nặng về cung cấp kiến thức, chương trình giáo dục kĩ năng sống còn ít; một số nơi việc tổ chức dạy học chưa chú trọng nhiều đến phát triển năng lực tự học, năng lực thực hành của học sinh.

Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 95-CTHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo đó, mục tiêu cụ thể về giáo dục tiểu học: mở rộng mô hình và phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh xây dựng trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến cuối năm 2020 tỉnh có trên 85% số trường tiểu học đạt chuẩn, trong đó có trên 50% số trường đạt chuẩn mức độ 2. Mặt khác, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học đẩy mạnh việc xã hội hóa, bổ sung mới phòng học, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi nhà trường để thực hiện việc bố trí nội dung, thời khóa biểu và chương trình đối với các lớp học 2 buổi/ngày một cách phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo các trường tiếp tục triển khai mô hình dạy học cả ngày; duy trì và phấn đấu nâng cao tỉ lệ học sinh được học theo chương trình T32 (32 tiết/ tuần). Chú trọng các hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng cách đề cao vai trò hoạt động của các câu lạc bộ, xây dựng “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”… Tiếp tục chỉ đạo nâng cao tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 90%, trước hết ưu tiên cho các lớp đầu cấp có 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Các Phòng GD&ĐT tham mưu địa phương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho giáo dục từng địa phương nhằm tăng cường nguồn lực cho hoạt động giáo dục, nhất là cơ sở vật chất trường lớp…

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145526