Chủ động tháo gỡ vướng mắc, đầu tư nguồn lực cho các dự án điện

Chiều 12/11, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia về việc bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia; đại diện lãnh đạo các, sở, ngành và UBND các huyện, TP liên quan; Công ty Điện lực Bắc Giang.

Nhiều dự án còn vướng mắc

Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, bình quân đạt hơn 14%/năm; năm 2024, dự kiến tăng trưởng khoảng 14%. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, là động lực chính trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Gấu phát biểu kết luận.

Đồng chí Nguyễn Văn Gấu phát biểu kết luận.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng sử dụng điện của tỉnh cũng tăng cao. Năm 2023, điện thương phẩm đạt hơn 5,99 tỷ kWh, tăng 12,27% so với năm 2022; 10 tháng năm 2024, điện thương phẩm đạt hơn 5,51 tỷ kWh, tăng 11,67% so với cùng kỳ năm trước.

Đến năm 2030, Bắc Giang sẽ có 29 khu công nghiệp (KCN), 60 cụm công nghiệp (CCN). Dự báo phụ tải năm 2025 là 1.350 MW; điện thương phẩm 7,298 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân 12,3%/năm.

Trước hiện trạng lưới điện như hiện nay, dự báo tốc độ tăng trưởng phụ tải, đặc biệt là tại các KCN, CCN trong thời gian tới, việc đầu tư, cải tạo lưới điện để bảo đảm cung cấp điện trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ hết sức cấp bách và khó khăn.

Hiện có 15 dự án điện lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh, gồm 1 dự án lưới điện 500 kV; 6 dự án lưới điện 220 kV và 8 dự án lưới điện 110 kV. Đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia nêu một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, trong đó chủ yếu về thỏa thuận tuyến, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB); một số dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư (CTĐT). Qua đó, các đơn vị đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phê duyệt chấp thuận CTĐT và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện phân phối triển khai trên địa bàn theo quy định Luật Đầu tư; nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục chấp thuận CTĐT.

 Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tổ chức rà soát điều chỉnh quy hoạch đất lúa được bảo vệ nghiêm ngặt có cập nhật quy hoạch lưới điện đi qua khu vực đất lúa. Trong trường hợp việc điều chỉnh gặp khó khăn thì khi thỏa thuận tuyến đường dây, chấp thuận CTĐT cho phép thỏa thuận tuyến, chấp thuận CTĐT trước và làm ngay thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất lúa song song hoặc sau khi chấp thuận CTĐT.

Trao đổi tại đây, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, TP đã trao đổi về điều chỉnh hướng tuyến, quỹ đất sử dụng cho thực hiện dự án điện; thủ tục chấp thuận CTĐT.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, căn cứ tình hình tăng trưởng sử dụng điện trên địa bàn, trong năm 2025, đơn vị cần đóng điện 11 dự án, riêng trong quý II/2025 phải đóng điện 5 dự án. Do đó, doanh nghiệp đề nghị tỉnh Bắc Giang có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành Điện bảo đảm cấp điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt trong mùa nắng nóng năm 2025.

Xây dựng kế hoạch rõ người, rõ việc

Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí: Mai Sơn, Phan Thế Tuấn nhấn mạnh cần linh hoạt, không cứng nhắc trong quá trình triển khai dự án điện. Các đồng chí yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương liên quan cần khẩn trương phối hợp với ngành Điện tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của các dự án điện; điều chỉnh hướng tuyến, các thủ tục chấp thuận CTĐT, GPMB phục vụ dự án. Sau buổi làm việc này, Sở Công Thương căn cứ kiến nghị, đề xuất, thực hiện tiếp nội dung công việc đang triển khai. Xây dựng, đánh giá cụ thể nội dung vướng mắc, trách nhiệm của địa phương, ngành nào cần giải quyết, thời gian bao giờ xong. Đồng thời tổng hợp báo cáo tiến độ hằng tuần với Chủ tịch UBND tỉnh, bảo đảm phân công rõ người, rõ việc, rõ mốc thời gian.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Văn Gấu khẳng định, điện có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh. Đến nay, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh vận hành cung cấp điện tương đối ổn định, hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và chủ đầu tư các KCN Tân Hưng, Yên Lư đang triển khai 24 dự án tại Bắc Giang nhằm cải thiện khả năng cung ứng điện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án gặp một số khó khăn như: Chất lượng một số hồ sơ khi trình phương án tuyến và chấp thuận CTĐT chưa cao, phải chỉnh sửa nhiều lần; một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong bồi thường GPMB, chưa có sự đồng thuận của người dân...

Thời gian tới, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn ở tỉnh đi vào hoạt động, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng cao. Tỉnh Bắc Giang mong muốn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thành viên quan tâm thực hiện một số nội dung như: Chỉ đạo các ban quản lý dự án, Công ty Điện lực Bắc Giang chủ động hơn trong công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương của tỉnh Bắc Giang để triển khai các dự án đầu tư lưới điện bảo đảm theo yêu cầu tiến độ và phù hợp với các quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án lưới điện.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh phát biểu.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh phát biểu.

Chủ động phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng khu, CCN để nghiên cứu, triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng lưới điện bán lẻ trong các khu, CCN theo quy định của pháp luật. Tập trung nguồn lực sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện sau khi được chấp thuận CTĐT. Có kế hoạch bố trí đủ vốn trong công tác xây dựng, cải tạo lưới điện, bảo đảm chất lượng điện cho các nhà máy sản xuất công nghệ cao. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Tăng cường quản lý kỹ thuật, có phương thức vận hành linh hoạt, bảo đảm cấp điện an toàn, phục vụ tốt các sự kiện chính trị, hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

Đồng chí yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP trong tỉnh phải xác định chậm đầu tư hạ tầng điện là làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế của các địa phương và của tỉnh, vì vậy cần tập trung cao trong công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, phối hợp GPMB bảo đảm tiến độ đề ra...

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phoi-hop-chat-che-thao-go-vuong-mac-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-dien-190458.bbg