Chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm
Việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Do vậy, trong những năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng bộ tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giao ban công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: T ư liệu
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chỉ đạo và ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, trong đó chú trọng đến việc giao chỉ tiêu kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên cho ủy ban kiểm tra các cấp và các phòng nghiệp vụ của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, coi đây là chỉ tiêu quyết định trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét khen thưởng hằng năm; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, cán bộ phụ trách các địa bàn chủ động phát hiện, nhận diện các biểu hiện vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên để kịp thời kiểm tra, đồng thời giao chỉ tiêu kiểm tra dấu hiệu vi phạm, ủy ban kiểm tra các đảng bộ trực thuộc; phân công các đồng chí có nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tham gia các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức qua việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của đảng viên, Nhân dân để thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên.
Kết quả nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 9 tháng năm 2021, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã kiểm tra 143 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm (tăng 2 tổ chức so với nhiệm kỳ trước). Nội dung kiểm tra tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và một số dấu hiệu vi phạm khác. Qua kiểm tra kết luận 101 tổ chức đảng có vi phạm (chiếm 70,6% tổ chức đảng được kiểm tra), trong đó phải thi hành kỷ luật và đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng.
Ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ trong nhiệm kỳ đã kiểm tra 334 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Nội dung chủ yếu về việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; việc giữ gìn đoàn kết nội bộ; những điều đảng viên không được làm; chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; tham nhũng, cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản và một số dấu hiệu vi phạm khác.
Thông qua công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét, xử lý nghiêm các đảng viên có khuyết điểm, vi phạm và công khai kết quả xử lý, đồng thời tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp hoặc đề nghị cấp ủy cấp dưới luân chuyển, thay thế, cho thôi giữ chức vụ đối với các đảng viên vi phạm kỷ luật. Qua đó tạo sự đồng bộ trong công tác kiểm tra, giám sát, được dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ và đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh còn có một số khó khăn, hạn chế, đó là: Nhận thức của một số cấp ủy cơ sở về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên còn chưa đầy đủ; một số ủy ban kiểm tra cơ sở còn lúng túng, bị động cả về nhận thức và tổ chức thực hiện; còn né tránh, ngại va chạm trong thực hiện; kiểm tra đối với đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý, có chức vụ, quyền hạn, nắm giữ các lĩnh vực về kinh tế còn ít. Mặt khác, cán bộ làm công tác kiểm tra ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát còn hạn chế…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Cấp ủy các cấp cần nhận thức đúng và đầy đủ về công tác kiểm tra, giám sát nói chung, nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng để xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; định kỳ nghe, cho ý kiến chỉ đạo, định hướng các nội dung trọng tâm, trọng điểm. Xác định rõ mục đích kiểm tra để ổn định tình hình, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án số 16 ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025”.
Ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát theo Quy chế giám sát trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 86 ngày 1/6/2017 của Bộ Chính trị; giám sát có hiệu quả đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đối với tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý. Chủ động giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, công tác tổ chức, cán bộ…
Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm Quy định số 195 ngày 18/6/2019 của Ban Bí thư về chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của đảng...
Thực hiện nghiêm, hiệu quả quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, đơn vị để trao đổi thông tin liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và tình hình chấp hành kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước, dấu hiệu vi phạm, đơn, thư phản ánh, tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên.
Đối với cán bộ kiểm tra cần nắm chắc Điều lệ Đảng và các quy định, chỉ thị, nghị quyết, quy chế làm việc, kết luận… để tổng hợp, phân tích, phân loại, sàng lọc các nguồn thông tin, tài liệu liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên để có căn cứ, cơ sở phát hiện, nhận diện xác định dấu hiệu vi phạm.
Chú trọng việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng để hoàn thành nhiệm vụ…
Nguyễn Văn Phúc
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy