Chủ động, tích cực phòng chống hạn hán, thiếu nước

Do tác động của biến đổi khí hậu, diện tích rừng các loại ngày càng bị thu hẹp, nguồn nước dần trở nên cạn kiệt, khan hiếm so những năm trước đây, nguy cơ hạn hán, thiếu nước đang hiện hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống, nhất là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi...

Chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này, ông trung niên lo lắng:

- Thông thường, cứ vào vụ sản xuất đông xuân là bà con ta lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước, khô hạn. Nguyên nhân thì rất nhiều: Do mưa ngày càng ít, lượng mưa không đáng kể, mùa mưa kết thúc sớm, nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài; tác động của hiện tượng El Nino và La Nina làm tăng lượng bốc hơi từ mặt đất, làm tổn thất dòng chảy, dòng chảy ngầm, lượng trữ ẩm trong đất giảm nhanh; hoạt động của các nhà máy thủy điện cũng gây biến đổi chế độ dòng chảy; chất lượng rừng sút giảm, tình trạng phá rừng bừa bãi vẫn diễn ra, tỷ lệ che phủ nhiều địa phương tăng nhưng chất lượng rừng không cao, chủ yếu là rừng thưa, rừng nghèo; các hồ chứa xả nước và tích nước chưa hợp lý; nguồn nước ngầm suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức...

Lật giở một tập tài liệu, bác da ngăm ngăm đưa ra mấy trích dẫn:

- Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hơn 100 hồ đập chứa nước các loại trên địa bàn tỉnh thì chỉ có 3 hồ đạt dung tích thiết kế, số còn lại chỉ trữ được khoảng 60-80% dung tích; 9 hồ đập chứa nước vừa và lớn hiện cũng chỉ còn hơn 12 triệu m3 so gần 19 triệu m3 thiết kế; chưa kể một số hồ chứa đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp nên không đảm bảo khả năng tích trữ nước. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước, không đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích vụ đông xuân 2020 là hiện hữu, không thể chủ quan; những địa phương có diện tích bị hạn hán khá lớn là Thành phố, Thuận Châu, Yên Châu, Vân Hồ... với hàng trăm hecta mỗi địa phương trong vụ này.

Ồn ào nhập cuộc, anh chàng nhỏ thó liến thoắng:

- Thế nên, hằng năm các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước; tiến hành các hoạt động tìm kiếm, khai thác các nguồn nước trời, sông suối, ao hồ, nước ngầm... Đồng thời, tổ chức kiểm kê nguồn nước ở từng công trình thủy lợi, khoanh vùng khu vực có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng lịch tưới tiêu phù hợp. Bên cạnh đó, bố trí cơ cấu mùa vụ, thời điểm gieo cấy phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước, sử dụng các loại giống cây trồng thích ứng điều kiện khô hạn; tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên sau mùa mưa từ ao hồ, sông suối, hệ thống các hồ chứa thủy lợi; triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn: Nạo vét cống lấy nước, kênh mương, làm thông thoáng dòng chảy, lắp đặt và vận hành các trạm bơm một cách hợp lý, thực hiện các giải pháp tưới tiêu tiên tiến (nhỏ giọt, phun mưa...), chủ động cắt giảm lượng nước tưới tiêu so với bình thường.

Tư lự một hồi, sau rốt, ông trung niên nói:

- Ngoài các hoạt động kể trên, về tầm nhìn nhiều năm, cần lắp đặt hệ thống quan trắc, dự báo lượng nước tại các hồ chứa; thường xuyên tuyên truyền Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước và Luật Khí tượng - Thủy văn...; tư vấn, hướng dẫn nhân dân các biện pháp tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm; nghiên cứu, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, khoa học, chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn đối với những diện tích thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước; có phương án lùi thời vụ sản xuất nếu không có đủ nước; tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ sản xuất; huy động nhân lực, phương tiện, máy móc, thiết bị nạo vét các tuyến kênh mương, phai đập dẫn nước từ các cống vào kênh mương nội đồng, củng cố hệ thống trạm bơm và các máy bơm lẻ; các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, sông, suối chủ động giảm mật độ nuôi, tính toán hợp lý thời gian thu hoạch để tránh thiệt hại. Đặc biệt, chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương và huy động các nguồn kinh phí khác để phòng chống hạn hán, thiếu nước. Các chú thấy thế nào?.

Quang Thành - Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-tich-cuc-phong-chong-han-han-thieu-nuoc-29327