Chủ động, tích cực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển
Nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản của ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển, hàng năm các lực lượng có liên quan và các xã, phường ven biển đã tích cực phối hợp thực hiện công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) trên biển.

Lực lượng Trạm Kiểm ngư Hòa Lộc tuần tra, kiểm soát trên biển.
Lúc 12 giờ 30 phút ngày 23/3/2025, tàu cá TH-93369-TS do ông Nguyễn Văn Chung ở xã Vạn Lộc làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đang hoạt động khai thác hải sản trên vùng ven biển của tỉnh thì một thuyền viên bị tai nạn. Nhận được tin báo, Trạm Kiểm ngư Hòa Lộc đã điều động tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-836-TS và ca nô tiếp cận tàu cá có ngư dân bị tai nạn. Sau khi tiếp cận, cán bộ Trạm kiểm ngư cùng với các thuyền viên nhanh chóng đưa nạn nhân vào bờ cấp cứu. Ngư dân Nguyễn Văn Khải ở xã Vạn Lộc cho biết: “Hôm đó trong khi kéo lưới, tôi bị kẹt dây lưới khiến dập nát bàn tay, rất may lực lượng kiểm ngư đã kịp thời tiếp cận tàu, sơ cứu và đưa tôi vào bờ cấp cứu kịp thời. Hiện sức khỏe của tôi đã bình phục”.
Xác định công tác PCTT, TKCN trên biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Trạm Kiểm ngư Hòa Lộc tích cực phối hợp với Đồn Biên phòng Đa Lộc, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Đồn Biên phòng Hoằng Trường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực ven biển. Qua đó, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận phương tiện gặp nạn và đưa nạn nhân vào bờ cấp cứu khi có sự cố xảy ra.
Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư Hòa Lộc Lê Công Tỉnh cho biết: “Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, trạm đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường các biện pháp PCTT, TKCN trên biển để tham gia cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư trường, ngư dân sản xuất, phát triển kinh tế biển. Để công tác TKCN đạt hiệu quả, trạm thường xuyên kiểm tra khả năng vận hành, khai thác trang bị, máy móc và các phương tiện cứu sinh... bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trạm duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ và bảo đảm kịp thời thu nhận tin báo khi có tình huống xảy ra”.
Hiện toàn tỉnh có 6.603 tàu cá với hơn 21.600 lao động trực tiếp trên biển. Trong đó, có 1.062 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác hải sản vùng khơi; 5.541 tàu cá có chiều dài dưới 15m chuyên hoạt động khai thác vùng ven bờ và vùng lộng. Nhằm chủ động công tác PCTT, TKCN, các lực lượng chức năng duy trì chặt chẽ chế độ trực các đài canh ven biển 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin của ngư dân hoạt động trên biển báo về. Các địa phương ven biển đã thành lập 5 trung đội dân quân biển; thành lập 389 tổ đoàn kết trên biển với 1.975 tàu cá và thu hút trên 14.290 lao động tham gia, thường xuyên hoạt động trên các vùng biển của tỉnh và các ngư trường trên cả nước.
Trưởng Phòng Biển đảo và Khai thác, Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa Lê Bá Lực cho biết: “Để chủ động công tác PCTT, TKCN trên biển, đơn vị đang tích cực phối hợp với các xã, phường ven biển tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác TKCN cho ngư dân. Các địa phương ven biển tích cực củng cố, phát triển tổ đoàn kết khai thác trên biển, để hỗ trợ nhau trong sản xuất, khi bị tai nạn, sự cố thiên tai xảy ra trên biển. Bên cạnh đó, hướng dẫn chủ tàu cá thông báo cho cảng cá, các đồn, trạm biên phòng tuyến biển về tần số liên lạc của tàu. Trong quá trình khai thác hải sản trên biển nếu gặp sự cố, tai nạn, thuyền trưởng thông báo ngay cho hệ thống trạm bờ và các lực lượng gần nhất... về vị trí tàu cá bị tai nạn, số người trên tàu và phát tín hiệu cấp cứu khi cần thiết. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thuyền trưởng sử dụng các biện pháp cấp bách để đưa tàu cá tránh hoặc về nơi neo đậu an toàn”.
Với sự chủ động, tích cực triển khai các biện pháp PCTT, TKCN đã góp phần hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất người và tài sản của ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển.