Phát huy giá trị văn hóa: Nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững

Quan điểm về xây dựng 'nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc' đã được Đảng ta khẳng định qua nhiều kỳ Đại hội. Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng quan điểm này tiếp tục được khẳng định và trở thành mục tiêu trọng tâm để phát triển văn hóa dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn là cơ sở, nền tảng để phát triển con người toàn diện; đồng thời, hiện diện sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến tôn giáo và các hoạt động xã hội khác.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng cũng xác định: Phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên nền tảng hệ giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người là định hướng quan trọng trong giai đoạn mới. Văn hóa được tiếp cận như nguồn lực nội sinh, động lực và hệ điều tiết phát triển đất nước, gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, kinh tế, giáo dục và con người.

Trên tinh thần đó, nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian "gốc rễ” của hệ giá trị Việt Nam, đồng thời thúc đẩy công nghiệp văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa và phát triển từ nền tảng văn hóa cá nhân nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa.

Phát huy giá trị văn nghệ dân gian

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đình Chỉnh, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Hải Phòng, trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đang chi phối mạnh mẽ, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn nghệ dân gian, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc giữ gìn bản sắc và củng cố sức mạnh mềm của dân tộc.

Ông Chỉnh đề xuất, trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Đảng và Nhà nước cần quan tâm sâu sắc hơn đến lĩnh vực văn nghệ dân gian, đặc biệt là việc đầu tư cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa dân gian đang dần mai một. Theo ông, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu chính là lực lượng nòng cốt để khám phá, giải mã các giá trị văn hóa tiềm ẩn, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp với từng vùng, miền. Việc đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện làm việc đầy đủ cho lực lượng này là hết sức cần thiết để duy trì tính liên tục và chất lượng trong công tác bảo tồn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Chỉnh cũng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nghệ nhân dân gian - những “báu vật sống” đang trực tiếp nắm giữ, truyền dạy tinh hoa văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau. Việc phong tặng danh hiệu, hỗ trợ tài chính và chế độ đãi ngộ hợp lý sẽ giúp các nghệ nhân yên tâm cống hiến, qua đó góp phần tạo dựng nền tảng văn hóa vững chắc và bền vững trong xã hội.

Một nội dung quan trọng khác là việc Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động văn hóa dân gian, nhất là các lễ hội truyền thống. Lễ hội không chỉ là biểu hiện sinh động của văn hóa cộng đồng mà còn có khả năng lan tỏa giá trị, kích thích sự tham gia tích cực của người dân và trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hỗ trợ kinh phí tổ chức, tạo không gian biểu diễn, khuyến khích người dân gìn giữ các phong tục tập quán chính là cách để phát huy vai trò của văn hóa dân gian trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực truyền thông, cần có chiến lược bài bản để quảng bá văn hóa dân gian trên cả phương tiện truyền thống và nền tảng số. Việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân gian sẽ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, đồng thời xây dựng hình ảnh đất nước giàu bản sắc trong mắt bạn bè quốc tế. Biến giá trị văn hóa truyền thống thành sản phẩm có thể đầu tư, gắn với du lịch, giáo dục và phát triển con người là hướng đi chiến lược cho tương lai.

Văn hóa định hướng phát triển đất nước

Bên cạnh việc gìn giữ các giá trị truyền thống, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị cần bổ sung vào văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng những định hướng cụ thể hơn về vai trò điều tiết và định hướng phát triển của văn hóa trong thời đại mới. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, điểm mới nổi bật trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng là việc xác lập văn hóa như một hệ điều tiết sự phát triển, thay vì chỉ đơn thuần là sức mạnh mềm như trước đây.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phat-huy-gia-tri-van-hoa-nguon-luc-noi-sinh-cho-phat-trien-ben-vung-20250722155951468.htm