Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh lây truyền từ động vật sang người

Số động vật mắc bệnh dại, số người tử vong do bệnh dại tại tỉnh khá cao. Để hạn chế lây lan bệnh dại trên động vật và từ động vật sang người, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đề ra một số giải pháp.

Động vật và người mắc bệnh dại

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 9 trường hợp chó mắc bệnh dại, trong đó có 1 trường hợp ở Tánh Linh, 8 trường hợp ở Phan Thiết. Phường Đức Thắng là địa phương đầu tiên tại Phan Thiết ghi nhận trường hợp động vật mắc bệnh dại cắn người, kịp thời giám sát và xử lý. Trong khi đó, tổng số chó, mèo của toàn tỉnh là 122.722 con với 76.642 hộ nuôi. Phương thức nuôi chủ yếu là thả rông trong nông hộ. Mỗi hộ nuôi trung bình từ 1 - 3 con. Giống địa phương, thả rông chiếm tỷ lệ cao; đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi. Một số giống mới ngoại nhập được nuôi với mục đích làm thú cưng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo được 50.347 liều, đạt tỷ lệ 41,03%.

Cùng thời gian như trên, số người tử vong do bệnh dại tại tỉnh ghi nhận 8 người. Cụ thể, 2 người ở Hàm Tân, 2 người ở Hàm Thuận Nam, 2 người ở La Gi, 1 người Hàm Thuận Bắc và 1 người ở Tánh Linh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những trường hợp tử vong này đều không tiêm vắc xin phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại ngay khi bị chó cào, cắn.

Tiêm vắc xin phòng dại miễn phí trên chó ở Phan Thiết.

Tiêm vắc xin phòng dại miễn phí trên chó ở Phan Thiết.

Tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi

Nguyên nhân là người nuôi chó, mèo chủ quan với dịch bệnh; chưa chủ động trong việc tự mua vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; không đăng ký theo quy định; chưa chú trọng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; chậm khai báo tình hình dịch bệnh để kịp thời xử lý. Đàn chó ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, vùng cao đều thả rông, nên khó bắt chó để tiêm phòng hoặc xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Các xã, phường, thị trấn không có cán bộ chuyên trách thú y để tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo. Thêm vào đó, một số UBND xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm trong việc quản lý đàn chó, mèo nuôi, chưa thực hiện xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về tiêm phòng, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ chó mèo…

Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đề ra một số giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới. Chẳng hạn, thường xuyên chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh triển khai có hiệu quả tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh; hướng dẫn các cơ sở, người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…

Rà soát, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh trên động vật; đặc biệt tiêm các loại vắc xin phòng bệnh truyền lây từ động vật sang người như bệnh dại trên đàn chó, mèo, bệnh cúm gia cầm H5N1, H5N6 trên đàn gia cầm. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân phối 6.900 liều vắc xin phòng dại chó, mèo do Tổ chức Động vật Châu Á kêu gọi hỗ trợ đến từng địa phương để tiêm cho chó, mèo tại tỉnh.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm, do vi rút dại gây ra lây từ động vật sang người thông qua nước bọt của động vật có mang vi rút dại. Nếu người bị chó, mèo cào cắn mà không tiêm vắc xin phòng dại, thì người mắc bệnh dại khi lên cơn dại thì gần như không chữa trị được, dẫn đến tử vong. Số ca tử vong do bệnh dại tại tỉnh được đề cập trên.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chu-dong-tiem-vac-xin-phong-benh-lay-truyen-tu-dong-vat-sang-nguoi-123467.html