Chủ động trang bị kỹ năng sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn
Dù không muốn, nhưng thiên tai, bão lũ, động đất hay các vụ hỏa hoạn... vẫn xảy ra. Điển hình như vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm 12, rạng sáng 13/9 đã cướp đi sinh mạng 56 người và làm hơn 30 người bị thương. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng nếu các cư dân của tòa nhà đó được trang bị, tập huấn kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn, thì có lẽ hậu quả không tang thương như thế.
Kỹ năng ứng phó với sự cố bất thường gồm: Nhận thức về nguy cơ, báo động nguy cơ, sử dụng các phương tiện hiện có để ngăn chặn... và quan trọng nhất là thoát hiểm để bảo toàn sinh mạng.
Mặc dù khi sự cố xảy ra, việc giữ bình tĩnh là điều rất khó. Nhưng nếu được trang bị những kỹ năng này sớm, nhất là khi được luyện tập, mỗi cá nhân sẽ biết cách ứng phó tốt hơn, vừa giúp mình thoát khỏi nguy hiểm, vừa có thể hỗ trợ cơ quan chức năng trong xử lý sự cố.
Kỹ năng ứng phó với sự cố bất thường gồm: Nhận thức về nguy cơ, báo động nguy cơ, sử dụng các phương tiện hiện có để ngăn chặn... và quan trọng nhất là thoát hiểm để bảo toàn sinh mạng.
Đối với đám cháy nhỏ, cần tìm cách dập lửa, báo cháy và thoát nạn. Để thoát nạn, cần nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn.
Trong vụ cháy tại chung cư mini trên phố Khương Hạ, một số người đã thoát chết không phải vì may mắn, mà nhờ sự bình tĩnh xử lý tình huống. Chị L. khi thấy có cháy lớn ở tầng một, khói bốc lên dày đặc, đã quay lại căn hộ của mình, đóng kín cửa, ngăn khói độc bay vào. Đồng thời, cả gia đình dấp khăn ướt để che đường hô hấp. Nhờ hạn chế được khói độc, nên gia đình chị không bị ngạt và đợi được đến lúc lực lượng cứu hộ đến giải thoát. Đây chính là bài học quý giá cho mọi người.
Hiện nay, tại các địa phương đã có hàng chục nghìn mô hình Tổ liên gia tự quản phòng cháy, chữa cháy. Hoạt động của các Tổ liên gia tự quản cũng là "kênh" thông tin rất thuận lợi để trang bị cho người dân các kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn.
Ngay trong ngày 13/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số: 4951/BGDĐT-GDCTHSSV "Về việc rà soát, nắm bắt thông tin về vụ cháy chung cư mini trên địa bàn thành phố Hà Nội và thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh, sinh viên" gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; chú trọng việc cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn...
Từ thực tế xảy ra, việc quan tâm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn cần được mở rộng cho học sinh cả nước thay vì tập trung ở Hà Nội.
Từ thực tế xảy ra, việc quan tâm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn cần được mở rộng cho học sinh cả nước thay vì tập trung ở Hà Nội.
Chúng ta đã có phong trào dạy bơi chống đuối nước trong học đường rất hiệu quả, được triển khai ở hầu như tất cả các tỉnh, thành phố. Phong trào này đã góp phần giảm đáng kể số trẻ em tử vong do đuối nước.
Và bây giờ, các em học sinh rất cần được trang bị thêm những kỹ năng sinh tồn trong các hoàn cảnh khác. Đó chính là kỹ năng "mềm" cần thiết để hạn chế từ sớm, từ xa khi thiên tai, hoạn nạn xảy ra.