Chủ động triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu keo mùa thu hại ngô

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành khâu làm đất trồng ngô, diện tích ngô đã gieo trên 15,9 ha, đạt trên 16% kế hoạch. Theo dự báo, nhiều khả năng đối tượng sâu keo mùa thu (SKMT) sẽ tiếp tục xuất hiện và gây hại sớm ngay từ đầu vụ ngô xuân 2020, cao điểm gây hại từ đầu tháng 3 với mật độ, diện phân bố cao hơn cùng kỳ năm 2019. Để bảo đảm năng suất, sản lượng ngô vụ xuân 2020, ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã chỉ đạo các huyện, thành phố, cơ quan chuyên môn chủ động trong công tác phòng, trừ SKMT.

Nông dân xã Kim Bôi (Kim Bôi) làm đất trồng ngô, gieo hạt đảm bảo quy trình kỹ thuật, góp phần hạn chế nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng.

Nông dân xã Kim Bôi (Kim Bôi) làm đất trồng ngô, gieo hạt đảm bảo quy trình kỹ thuật, góp phần hạn chế nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng.

Đồng chí Bùi Văn Hải, Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Kim Bôi cho biết: Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, huyện gieo trồng trên 1.489 ha ngô. Hiện, toàn huyện đã gieo trên 100 ha ngô. Vụ xuân năm 2019, trên 90 ha ngô bị ảnh hưởng bởi SKMT. Cục bộ tại một số khu vực như xã Tú Sơn, Mỵ Hòa, sâu keo gây hại nặng mất khả năng phục hồi với diện tích khoảng 50 ha. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, bên cạnh việc kịp thời nắm bắt sự xuất hiện của SKMT, phối hợp với các địa phương thường xuyên bám sát địa bàn để đôn đốc, hướng dẫn nông dân canh tác, làm đất đúng kỹ thuật, Trạm đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn về chủ động phòng trừ SKMT tới các địa phương; giới thiệu quy trình kỹ thuật phòng trừ SKMT tới các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống SKMT cho nông dân, phổ biến và áp dụng rộng rãi biện pháp phòng trừ tổng hợp đối tượng này.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, những tháng nửa đầu năm 2020, ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng; cùng với những tháng mùa đông 2019 khá ấm nên dự báo SKMT sống sót qua đông với tỷ lệ cao. Trưởng thành di trú lại có thể bay theo gió xa hàng trăm km, vì vậy, nguy cơ gây hại trên diện rộng có thể xảy ra nếu không phát hiện, xử lý kịp thời.

Đồng chí Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Nhằm giảm tổn thất, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất an toàn, bền vững, ngay từ đầu vụ, Chi cục đã có công văn hướng dẫn đến các huyện, thành phố chủ động phòng trừ SKMT gây hại trên cây ngô, đồng thời giới thiệu quy trình kỹ thuật canh tác và 4 biện pháp phòng trừ cơ bản.

Ở những vùng đã từng bị SKMT gây hại nặng, Chi cục hướng dẫn nông dân chọn những giống ngô có khả năng kháng, chống chịu SKMT cao như NK 7328 Bt/GT, NK 66 Bt/GT, NK 6101 Bt/GT, 8639S... để gieo trồng nhằm giảm mức độ thiệt hại, giảm chi phí sản xuất do phải áp dụng các biện pháp khác phòng chống, nhất là khu vực có địa hình khó khăn, nơi khan hiếm nước để phun thuốc BVTV. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc BVTV phòng trừ SKMT, do danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc trừ SKMT nên Chi cục khuyến cáo bà con chỉ sử dụng tạm thời các loại thuốc có hoạt chất gồm: Bacillus thuringiensis (300-500 g a.i/ha), phun 2 lần cách nhau 7 ngày; phun thuốc khi sâu mới xuất hiện, tuổi 1-2; lượng nước phun 400-600 lít/ha. Spinetoram (30-36 g a.i/ha), phun giai đoạn cây có 4-6 lá thật khi sâu mới xuất hiện ở tuổi 1-2; phun 2 lần, cách nhau 10-12 ngày; lượng nước phun 400-600 lít/ha...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/138289/chu-dong-trien-khai-cac-bien-phap-phong,-tru-sau-keo-mua-thu-hai-ngo.htm