Chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Ngày 2/4, UBND tỉnh ban hành Công văn số 335/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Công văn nêu rõ: Hiện nay, Nam Định đang bước vào giai đoạn thời tiết hanh khô, chuẩn bị chuyển sang cao điểm nắng nóng, làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy tại các khu rừng trồng thông, keo, bạch đàn tại các huyện Ý Yên, Vụ Bản và khu rừng trồng phi lao tại 3 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Cháy rừng sẽ gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện có rừng chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng, đồng thời bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Sở Nông nghiệp và Môi trường: Tiếp tục tham mưu thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản chỉ đạo về bảo vệ rừng, PCCC rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về PCCC rừng, vận động nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đặc biệt trong mùa nắng nóng, khô hanh. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về PCCC rừng như đốt rác bừa bãi, sử dụng lửa không kiểm soát trong rừng và ven rừng. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC rừng cho lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng tại cơ sở, trang bị kiến thức và kỹ năng chữa cháy rừng hiệu quả. Phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các nguy cơ cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy. Cập nhật, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo sớm, cung cấp thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và chủ rừng để có biện pháp phòng ngừa. Chỉ đạo Vườn quốc gia Xuân Thủy rà soát, bổ sung phương án PCCC rừng, tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng được yêu cầu chủ động phương án phối hợp, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ khi có tình huống khẩn cấp. UBND các huyện có rừng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiện toàn các tổ, đội PCCC rừng tại địa phương, đảm bảo phản ứng nhanh và hiệu quả trong trường hợp xảy ra cháy rừng.

UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát các khu rừng có nguy cơ cháy cao, chủ động huy động lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra; tuyên truyền, giáo dục người dân về PCCC rừng qua hệ thống loa truyền thanh huyện, xã, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa gần rừng. Chỉ đạo UBND các xã/thị trấn có rừng kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC rừng và các tổ, đội PCCC rừng cấp thôn, đội; xây dựng phương án PCCC rừng năm 2025 phù hợp với đặc điểm từng địa phương; tăng cường tuần tra, kiểm tra việc sử dụng lửa trong rừng, đặc biệt là trong các hoạt động du lịch, lễ hội tại các khu vực rừng gần đền, chùa; bố trí lực lượng ứng trực 24/24h trong mùa khô và những ngày nắng nóng cao điểm.

Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện có rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, PCCC rừng./.

Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202504/chu-dong-trien-khai-cong-tac-phong-chay-chua-chay-rung-8ae1841/