Chủ động triển khai sản xuất vụ đông xuân

Còn khoảng một tháng nữa mới bước vào gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020 nhưng thời điểm này nông dân các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động sản xuất. Ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng đảm bảo cây trồng sinh trưởng tốt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.

 Cày vùi gốc rạ, cỏ dại bằng máy cày cỡ lớn. Ảnh: TQ

Cày vùi gốc rạ, cỏ dại bằng máy cày cỡ lớn. Ảnh: TQ

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa rét kéo dài nhưng những ngày này, trên các cánh đồng lúa xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, những chiếc máy cày cỡ lớn đang hoạt động hết công suất để cày lật, phơi đất trước khi bước vào gieo cấy. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hải Đường ở HTX Tiên Mỹ cho biết, vụ đông xuân năm nay gia đình ông dự kiến xuống giống gần 2,5 ha lúa với các giống lúa chủ lực là Bắc Thơm 7, Thiên Ưu 8 và HC95. Theo kinh nghiệm của ông Đường, năm nay ít mưa, không có lũ lụt xảy ra nên lúa chét, cỏ dại phát triển mạnh. Do đó, việc cày lật, phơi đất trước khi bước vào vụ vừa có tác dụng vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét, vừa tiêu diệt các loại mầm bệnh có trong đất, giúp đất tơi xốp, nhờ đó cây lúa phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh, cho năng suất cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm Võ Văn Long, vụ đông xuân năm nay xã dự kiến gieo cấy trên 640 ha lúa với các giống chất lượng cao như Bắc Thơm 7, PC6, Hương Thơm, Thiên Ưu 8… Do đó, thời điểm này UBND xã đã chỉ đạo các HTX vận động xã viên ra đồng cày lật phơi đất, tu sửa bờ ruộng, kênh mương, ra quân diệt chuột. Ông Long cho biết, theo kinh nghiệm của nông dân, nếu cày lật đất chậm có nguy cơ tạo ra các khí độc gây hại lúa do các gốc rạ, cỏ dại, tàn dư thực vật trên đồng ruộng phân hủy chưa triệt để. Sau khi cày lật xong ruộng sẽ được phơi cho đến khi chuẩn bị bước vào gieo cấy thì cho nước vào ruộng và dùng máy cày lắp bánh lồng bằng sắt đánh đều đất trở lại, trang phẳng rồi xuống giống.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân này huyện Vĩnh Linh dự kiến xuống giống hơn 4.000 ha lúa, trong đó diện tích lúa chất lượng cao như HN6, Bắc Thơm 7, Thiên Ưu 8… chiếm khoảng 85%; phấn đấu khoảng 95% giống lúa gieo cấy đạt phẩm cấp từ cấp xác nhận trở lên. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Diệp Hồng Cương cho biết: “Để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân thuận lợi, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức ra quân diệt chuột; tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, khơi thông các trục tiêu chính; vệ sinh đồng ruộng kết hợp chỉnh trang hệ thống giao thông nông thôn, dọn dẹp vệ sinh môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ. Do ảnh hưởng của mưa lớn cuối vụ hè thu vừa qua đã làm hơn 350 ha lúa trên địa bàn huyện bị mất trắng. Do vậy, để chuẩn bị cho vụ đông xuân này, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ gần 100 tấn lúa giống để đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ”.

Tại huyện Triệu Phong, trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Hoàng Quang Dưỡng cho biết, theo kế hoạch, vụ đông xuân 2019 - 2020 huyện dự kiến gieo trồng khoảng 9.783 ha cây trồng các loại. Trong đó, cây lúa thực hiện trên 5.930 ha, cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như HN6, Thiên Ưu 8, Khang Dân, NA2, TBR279… trên 80%; năng suất bình quân phấn đấu đạt 58,5 tạ/ha. Diện tích ngô, sắn, khoai lang, lạc khoảng 1.960 ha; còn lại là rau đậu các loại. Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương tùy theo thổ nhưỡng và khả năng của mỗi đơn vị để cơ cấu từ 2 - 3 giống lúa chủ lực; tăng diện tích lúa ngắn ngày và cực ngắn; bỏ hẳn giống lúa dài ngày; bố trí các giống thay thế đã qua khảo nghiệm như LDA1, DT100, TBR279; hạn chế và giảm dần các giống dễ nhiễm bệnh như P6, HC95. Khuyến khích nông dân xử lí hạt giống trước khi ngâm ủ đảm bảo phòng trừ các bệnh trên cây lúa như lùn sọc đen gây hại. Yêu cầu các địa phương bám sát khung lịch thời vụ của tỉnh và huyện để bố trí điều chỉnh lúa trổ tập trung trong khung an toàn nhất; không được tùy tiện bố trí gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng do sâu bệnh và thiệt hại do rét. Các cơ quan chuyên môn như Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông cùng với chính quyền địa phương và nông dân thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo diễn biến của các loại sâu bệnh hại để tổ chức chỉ đạo hướng dẫn phòng trừ hiệu quả.

Theo lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ đông xuân của Sở Nông nghiệp và PTNT, bộ giống lúa chủ lực để sản xuất bao gồm HN6, Thiên Ưu 8, LDA1, NA2, RVT, Bắc Thơm 7, Lộc Trời 1, Bắc Hương 9, Khang Dân 18, TBR 279, TBR 1, TBR 225…; mở rộng diện tích các giống đã khảo nghiệm có triển vọng như ADI 168, ST24, N26, DT100, DT45… Mỗi đơn vị chỉ bố trí từ 3 - 4 loại giống lúa phù hợp trong bộ giống lúa chủ lực của tỉnh để tập trung thâm canh. Chỉ đưa và sản xuất đại trà các giống lúa có nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn từ cấp xác nhận trở lên, tuyệt đối không sử dụng thóc thịt làm thóc giống. Hạn chế sử dụng giống HC95 do nhiễm sâu bệnh, đối với những vùng đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trong năm 2017, vùng ổ dịch tuyệt đối không cơ cấu giống HC95 vào sản xuất. Thời gian gieo thẳng lúa bắt đầu từ ngày 1 - 15/1/2020; bố trí thời vụ gieo cấy lúa tập trung và có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm tiết kiệm nước, giảm chi phí, hạn chế phát sinh các lứa sâu bệnh gối nhau, đảm bảo lúa trổ trong khung gọn nhất, vừa tránh được rét trong vụ đông xuân, đồng thời thu hoạch nhanh gọn để chủ động triển khai sản xuất vụ hè thu 2020 bảo đảm thời vụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền lưu ý: “Năm 2020 theo âm lịch nhuận hai tháng 4, dương lịch nhuận tháng 2, theo kinh nghiệm dân gian và thực tế các năm qua dự báo là năm có diễn biến thời tiết bất thuận và nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại phức tạp. Mặt khác từ năm 2018 đến nay liên tiếp không có lũ lớn, cùng với tình hình thời tiết ấm là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch hại nguy hiểm phát sinh gây hại, đặc biệt là chuột, ốc bươu vàng, bệnh sọc đen... do đó các địa phương và nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống và các biện pháp chăm sóc, bón phân phù hợp, đặc biệt phải thăm đồng thường xuyên để kịp thời điều chỉnh các biện pháp canh tác và xử lí hiệu quả các đối tượng sâu bệnh phát sinh trên đồng ruộng. Theo ông Hiền, để đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh gây ra, các địa phương cần hướng dẫn, động viên nông dân chủ động be bờ giữ nước khi có mưa; làm đất sớm như cày lật gốc rạ, xử lí chế phẩm phân hủy gốc rạ, bón vôi, vệ sinh đồng ruộng, tu sửa, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, duy tu bảo dưỡng tốt các trạm bơm để sẵn sàng bơm tưới, tiêu; chuẩn bị máy bơm dự phòng để sẵn sàng bơm hỗ trợ khi thời tiết có mưa lớn gây gập úng hoặc khô hạn xảy ra. Tổ chức ra quân đồng loạt để vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mai dương... trước khi vào vụ 10 - 15 ngày và thường xuyên trong cả vụ để bảo vệ mùa màng. Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để tiến hành gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ, phấn đấu kết thúc gieo cấy chậm nhất vào ngày 15/1/2020. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân các phương pháp xử lí giống bằng nước ấm, phân lân để tăng cường khả năng nảy mầm và hạn chế sâu bệnh gây hại. Xử lí hạt giống trước lúc gieo bằng các loại thuốc như Cruizer plus, Map Silo... để quản lí rầy lưng trắng ngay từ đầu vụ nhằm phòng ngừa bệnh lùn sọc đen xuất hiện và gây hại. “Nông dân và các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh lịch gieo sạ hợp lí, luồn lách thời tiết, tránh các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến mầm lúa mới gieo. Tăng cường khơi thông rãnh nước, sử dụng các phương tiện để đấu úng kịp thời thoát nước nhanh cho ruộng lúa, đặc biệt là các trà lúa mới gieo, lúa ở giai đoạn mạ khi gặp rét đậm và mưa lớn” ông Hiền lưu ý thêm.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144536