Chủ động trong ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Gio Linh nên nhận thức về công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai, mưa bão, lũ lụt của người dân Gio Linh được nâng lên rõ rệt; các cấp ủy, chính quyền, người dân xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của Nhân dân, là nhiệm vụ trọng tâm của huyện.

 Người dân đã chủ động trong việc ứng phó với mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra -Ảnh: HDC

Người dân đã chủ động trong việc ứng phó với mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra -Ảnh: HDC

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh Lê Văn Viễn cho biết, năm 2020 xác định rõ là năm thiên tai diễn biến thất thường và huyện có khả năng chịu nhiều ảnh hưởng lớn nên đã chủ động trong công tác triển khai phòng, chống thiên tai trong toàn huyện. Trên tinh thần đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức và các địa phương lập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cụ thể; xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, chỉ đạo kịp thời đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó chú trọng đảm bảo an toàn hồ đập, tích đủ nước phục vụ sản xuất và vận hành xả lũ đúng quy trình; phương án ứng cứu khi có sự cố cầu, đường, đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường do huyện quản lý, giao thông nông thôn; phương án chủ động về lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc y tế, thuốc phòng dịch; phương án huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn; triển khai các công tác PCTT&TKCN một cách đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, sát với thực tế từng địa bàn.

Từ sự chủ động đó nên khi ảnh hưởng của vùng áp thấp trên Biển Đông, không khí lạnh và mưa lớn xảy ra trên địa bàn huyện Gio Linh từ tối 6/10/2020 cho đến nay, huyện Gio Linh đã triển khai tốt các phương án ứng phó với mưa lũ xảy ra. Lãnh đạo huyện trực tiếp về các địa bàn xung yếu để chỉ đạo kịp thời các địa phương, động viên Nhân dân chủ động ứng phó với mưa lũ. Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, huyện đã chỉ đạo tăng cường ứng phó, trong đó tập trung chỉ đạo một số nội dung như: Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của vùng áp thấp, không khí lạnh, mưa, lũ… trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn… và sẵn sàng các phương án để di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn; nghiêm cấm người dân ra sông vớt gỗ, củi. Rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, chỉ đạo sắp xếp đảm bảo an toàn tàu thuyền, phương tiện tại các nơi neo đậu; triển khai nhanh các phương án phòng, chống các dịch bệnh phát sinh trong mùa mưa lũ, đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Trước tình hình mưa lũ, người dân đã chủ động trong việc ứng phó với mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Gio Linh về tình hình thiệt hại, có 1 người chết và 1 người bị nước cuốn trôi do chìm tàu Vietship12. Huyện đã di dời 61 hộ/178 nhân khẩu tại các xã: Trung Sơn, Trung Hải, Gio Mỹ, Gio Việt, Gio Quang; có 477 nhà bị ngập từ 0,3m -0,5m; nhiều nhà bị tốc mái... Hiện nay mực nước trên địa bàn đã xuống, các hộ dân đa số đã trở về nhà. đã bố trí lực lượng hỗ trợ và tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước... cho một số khu vực hiện tại đang bị chia cắt như: Thôn Khe Me, thôn Sông Ngân (Linh Trường), thôn Trảng Rộng (Hải Thái). Diện tích lúa bị ngập, hư hỏng 23 ha; diện tích đất lúa bị bồi lấp 2,2 ha; hoa màu bị ngập hư hỏng 105,6 ha; lúa giống và lúa thịt bị ướt 185,3 tấn. Về thủy sản, diện tích nuôi tôm bị ngập cuốn trôi: 94,2 ha; diện tích nuôi cá bị ngập và cuốn trôi: 82,7 ha. Về chăn nuôi: vịt bị lũ cuốn trôi 14.480 con; gà bị lũ cuốn trôi: 4.630 con; gia súc bị chết 28 con… Ngoài ra còn một số thiệt hại về cơ sở hạ tầng chưa thống kê do nước lũ chưa rút hết. Tổng thiệt hại ước tính đến thời điểm này khoảng 34.226,3 triệu đồng.

Huyện đã chỉ đạo các địa phương thống kê thiệt hại để đề xuất các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, huyện tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình khắc phục thiệt hại và ổn định đời sống sản xuất; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chú trọng việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhất là tổ chức việc huy động các nguồn lực nhanh chóng hỗ trợ, ứng cứu cho các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ.

Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết thêm, tình hình thời tiết, thiên tai, bão, mưa lũ từ nay đến cuối năm diễn biến thất thường. Vì thế, huyện tiếp tục cao tinh thần chủ động ứng phó, triển khai các phương án tối ưu để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời để xử lý khi có tình huống xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của mưa lũ; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch… Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại khi bão lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống và lao động sản xuất. Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của Nhân dân trong công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai, bão, mưa lũ sẽ là nền tảng quan trọng cho công tác triển khai phòng, chống, ứng phó đạt kết quả tốt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, giúp người dân ổn định cuộc sống, tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Hoài Diễm Chi

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152390