Chủ động trước dịch bệnh

Để đẩy lùi các dịch bệnh do vi rút nói chung và dịch Covid-19 nói riêng, việc tiêm vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng là giải pháp căn cơ, hệ thống nhất giúp ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nước ta đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm có thể tự chủ về vắc xin, không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho thế giới. Bên cạnh việc tự nghiên cứu phát triển, sản xuất vắc xin “made in Việt Nam” dựa trên trình độ, năng lực đã từng sản xuất ra nhiều loại vắc xin phòng các bệnh phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nước ta đã và đang nỗ lực tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới nhằm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài…

Với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đến nay, nước ta đã đặt mua được 170 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ nhiều hãng trên thế giới; việc thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 “made in Việt Nam” đã bước vào giai đoạn 3 và đạt kết quả khả quan. Đặc biệt, các cuộc xúc tiến đàm phán với những đối tác của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga… để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam bước đầu đã có kết quả tích cực. Trong đó, có đơn vị đã ký thỏa thuận với nhà sản xuất của Nga về việc đóng ống vắc xin phòng Covid-19 Sputnik-V tại Việt Nam...

Có thể khẳng định, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin là giải pháp khả thi và bền vững để đạt được mục tiêu có đủ vắc xin Covid-19 cung cấp cho người dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành việc xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có vắc xin phòng Covid-19. Bên cạnh đó là có những cơ chế, chính sách ưu đãi trong hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19; huy động mọi nguồn lực tài chính phục vụ hợp tác, sản xuất vắc xin, trong đó chú trọng giải pháp hợp tác công - tư trên nguyên tắc hài hòa, hiệu quả giữa lợi ích 3 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp.

Hiện công tác tiếp xúc, đàm phán với các đối tác nước ngoài để hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 đang được thúc đẩy. Dự kiến, thời gian tới, nước ta sẽ tiếp nhận những công nghệ sản xuất vắc xin mới nhất của thế giới. Vì thế, ngay từ lúc này, cần phải chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, không chỉ đáp ứng được yêu cầu của đối tác mà còn có đủ khả năng tiếp nhận tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin được chuyển giao.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, để có được nguồn vắc xin chủ động, việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên là rất quan trọng. Chung sức cùng với các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin cần tập trung trí tuệ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất trong nghiên cứu, sản xuất để sớm có sản phẩm vắc xin phòng Covid-19 “made in Việt Nam” phục vụ người dân.

Hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 sẽ góp phần giúp nước ta tự chủ được nguồn vắc xin, tiêm phòng cho người dân, tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó khống chế, kiểm soát và chủ động trước dịch bệnh, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1003818/chu-dong-truoc-dich-benh