Chủ động trước mùa khô hạn

Sụt lún đường, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, xâm nhập mặn... là những nỗi lo thường trực mỗi khi bước vào mùa khô.

Theo thông tin dự báo từ Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mùa khô năm 2024-2025 ít có khả năng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt như mùa khô năm 2023-2024. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở một số nơi vẫn có thể xảy ra.

Hiện nay, có 95% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, chỉ có hơn 19% hộ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung, phần lớn sử dụng nước từ giếng nước nhỏ lẻ hộ gia đình. Do không tiếp cận được nguồn nước mặt từ hệ thống sông Mê Kông nên trên địa bàn tỉnh sử dụng 100% nước cho sinh hoạt. Từ đó, khi vào mùa khô, tình trạng thiếu nước lại diễn ra nhiều nơi.

Như mùa khô 2023-2024, toàn tỉnh có 2.620 hộ thiếu nước và không chủ động được nguồn nước. Trong đó, khu vực đặc biệt khó khăn trong điều kiện tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, với khoảng 1.719 hộ.

Mùa khô năm 2023-2024, nhiều tuyến kênh trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị khô cạn, không thể vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Mùa khô năm 2023-2024, nhiều tuyến kênh trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời bị khô cạn, không thể vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Trước đó, Ðoàn Kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai năm 2024 do thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh làm trưởng đoàn, kiểm tra tại 5 khu vực đã ghi nhận một số kiến nghị liên quan đến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân trong mùa khô.

Cụ thể, tại khu vực 2 (gồm huyện U Minh và huyện Thới Bình), huyện U Minh kiến nghị hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt, máy lọc nước, nâng cấp mở rộng hệ thống nước nối mạng trên địa bàn; huyện Thới Bình kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khi nắng, hạn xảy ra.

Trước những kiến nghị của địa phương, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh, làm Trưởng đoàn Kiểm tra khu vực 2, đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch nông thôn, đồng thời nghiên cứu đầu tư mở rộng các hệ thống cấp nước sạch nông thôn, ưu tiên các địa bàn khó khăn về nước sạch sinh hoạt.

Theo dự báo, trong các tháng đầu mùa khô năm 2024-2025 không chỉ có nguy cơ thiếu nước, mà khả năng sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa trên diện rộng. Mưa trái mùa xuất hiện nhiều có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, nhất là bà con canh tác vụ dưa hấu Tết.

Ngoài ra, trong thời gian tới còn 2 kỳ triều cường cao vào các ngày 16-20/12/2024 và từ ngày 16-20/1/2025. Triều cường không chỉ gây ngập, ảnh hưởng đến nuôi thủy sản của người dân mà còn tăng khả năng xâm nhập mặn tại các vùng ngọt hóa, nhất là vào khoảng tháng 2 và tháng 3/2025.

Tình hình xâm nhập mặn tuy sẽ không gay gắt nhưng vẫn có thể diễn biến phức tạp, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðể chủ động công tác ứng phó mùa khô năm 2024-2025, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn của cơ quan chức năng, kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, tổ chức có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó.

Người dân xã Tân Thành, TP Cà Mau chủ động rào lưới và trữ nước, bảo vệ cá chình nuôi trước khi vào mùa khô.

Người dân xã Tân Thành, TP Cà Mau chủ động rào lưới và trữ nước, bảo vệ cá chình nuôi trước khi vào mùa khô.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm... để bảo vệ sản xuất. Tăng cường kiểm tra, rà soát và duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi (cống, đập)... Ðẩy nhanh tiến độ thi công, nạo vét kênh, mương đã có chủ trương để tăng lượng nước trữ phục vụ sản xuất. Hướng dẫn địa phương lịch thời vụ phù hợp với tình hình thời tiết, tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh đề nghị UBND các huyện và TP Cà Mau chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch thời vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, hướng dẫn các tổ chức, nông hộ chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô. Tuyên truyền người dân tích trữ nước mưa và sử dụng tiết kiệm nước, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt, thường xuyên theo dõi mực nước tại các kênh, rạch để điều tiết hợp lý và tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trong mùa khô.

Công tác phòng, chống thiên tai được tỉnh chủ động từ sớm, từ xa, thế nhưng, trước tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngày càng phức tạp. Những năm gần đây, tình trạng khô cạn trên các sông vùng ven biển của tỉnh càng trầm trọng khiến mặn xâm nhập từ biển theo thủy triều vào sâu trong sông, có nơi lên đến 49 km, với độ mặn có lúc lên trên 30 %0. Hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ra nhiều thiệt hại về nông nghiệp, nhiễm mặn nguồn nước ngầm... Do đó, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền các cấp, người dân cần chủ động gia cố bờ bao, sử dụng nước tiết kiệm, sản xuất đúng lịch thời vụ đã được khuyến cáo... để giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa khô tới./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-truoc-mua-kho-han-a36078.html