Chủ động trước thiên tai, đảm bảo an cư lạc nghiệp

Sau những đợt mưa lớn, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Mường Vang, tỉnh Phú Thọ) xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún kéo dài từ đỉnh đồi Cây Đa, xóm Rài chạy xuống phía dưới, rộng 1-3m, sâu tới 2-3m. Tình trạng sạt lở đe dọa trực tiếp tới tính mạng và tài sản của hàng trăm người dân. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương và người dân cùng chủ động lên kế hoạch và di dời tới khu tái định cư để sớm ổn định cuộc sống.

Ngôi nhà mới xây của người dân xóm Rài bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Ảnh: Vũ Sinh

Ngôi nhà mới xây của người dân xóm Rài bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Ảnh: Vũ Sinh

Không dám ngủ mỗi khi trời mưa

Chỉ tay về phía đồi Cây Đa, anh Bùi Văn Thái, thôn Rài nhớ lại: “Từ sau cơn bão số 3 năm 2024, trên đồi đã xuất hiện hiện tượng sạt lở. Trước kia, gốc tre ở mãi gần đỉnh đồi, giờ nó đã sạt xuống, cách vị trí ban đầu khoảng 60-70m. Cứ mưa 1-2 ngày là đất lại sạt xuống. Thời gian đó, không chỉ gia đình tôi mà những hộ dân khác trong xóm đều lo lắng, hoang mang vì các vết nứt mỗi ngày một rộng ra, sâu hơn. Mỗi khi trời mưa, không ai dám ngủ trong nhà mà phải đi ngủ nhờ nơi khác”.

Không chỉ nhà anh Thái, hàng chục hộ dân khác ở thôn Rài đã phải di dời khẩn cấp trước diễn tiến nhanh của tình trạng sạt lở đất. Ông Bùi Văn Phúc, một hộ dân ở đây chia sẻ: “Lo nhất là những ngày mưa. Không ai dám ngủ. Trước đây, sau nhà của tôi có khe suối nhỏ, giờ đất đá sạt trượt xuống khe suối 60cm, không còn nước nữa. Cả khu vực này”. Ông Phúc xót xa cho biết thêm: “Nhà cũ của tôi mới làm xong trong năm 2024. Chưa ở được bao lâu thì xảy ra sạt lở. Vết sạt giờ đã chạy đến bên cạnh nhà. Trước đây, tôi làm kè đá cao 2m, đến bây giờ, đất từ trên đồi sạt xuống đã san phẳng chỗ kè. Không riêng gì nhà tôi mà một số gia đình khác vừa dọn về nhà mới ở được vài ngày đã phải di dời đi chỗ khác. Tiền của bao năm tích cóp mới làm được ngôi nhà, giờ phải bỏ đi, ai cũng xót ruột”.

Trưởng thôn Rài Bùi Văn Thửi cho biết, toàn thôn có 111 hộ dân, đều là người Mường, trong đó có 36 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo. Thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa, chăn nuôi lợn, gà, trâu bò và đi làm thêm. Anh Thửi thông tin thêm, hiện tượng sạt lở xuất hiện từ năm 2017, hồi đó, 7 hộ đã phải di dời rồi. Năm 2024, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, khiến 66 hộ dân phải di dời khẩn cấp, trong đó có 3 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, không thể ở được, phải di dời ngay trong đêm mưa.

Yếu tố an toàn được người dân thôn Rài đặt lên hàng đầu. Do đó, dù tiếc nuối nhà cửa, ruộng vườn, người dân vẫn chủ động di dời tới các khu vực an toàn, đồng thuận cao với việc chuyển tới khu tái định cư do tỉnh bố trí quỹ đất.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khu tái định cư

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Vang Doãn Quang Hưng, trên đồi Cây Đa xuất hiện nhiều vết nứt, tổng chiều dài khoảng hơn 2,3km. Có những vết trượt nhìn rất rõ, dài 800m, tạo hố sâu 2-3m. Trước nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm cho người dân, chính quyền địa phương đã triển khai Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư (Dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây sạt lở đất), giúp người dân xóm Rài ổn định đời sống.

Khu tái định cư mới có diện tích 6ha, được quy hoạch, phân chia thành 131 lô đất ở. Diện tích mỗi lô đất ở 200m2. Địa phương dự kiến giao 111 lô cho 111 hộ dân trong diện phải di dời do thiên tai, còn lại, 20 lô dự phòng tái định cư có các hộ dân khác đủ điều kiện theo quy định.

Theo ông Hưng, tổng vốn đầu tư dự án hơn 72 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa. Hiện nay, các nhà thầu đang khẩn trương thi công để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng gồm: Đường giao thông, hệ thống kè chắn đất, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống đường điện, phòng cháy, chữa cháy và các công trình phúc lợi khác để đảm bảo đời sống nhân dân. Dự án đã thực hiện bốc thăm giao đất cho các hộ dân. Một số hộ gia đình đang triển khai xây dựng nhà ở tại đây để vào ở trong năm nay.

Khu tái định cư cho người Mường xóm Rài đang được gấp rút hoàn thiện để người dân có thể dọn về ở. Ảnh: Bích Nguyên

Khu tái định cư cho người Mường xóm Rài đang được gấp rút hoàn thiện để người dân có thể dọn về ở. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Hưng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án nhanh và hiệu quả, đảm bảo đời sống cho người dân, tỉnh Hòa Bình trước đây (nay là tỉnh Phú Thọ) áp dụng đầu tư dự án trong tình huống khẩn cấp, cấp bách. Quan trọng nhất là dự án được người dân đồng thuận.

“Người dân đang sinh sống ở nơi cha ông họ ở từ rất lâu đời, khi phải bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” đi nơi khác, họ phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Bên cạnh đó là khó khăn về tài chính bởi di dời phát sinh chi phí, nhiều hộ dân đang còn vay ngân hàng để xây nhà cũ chưa trả hết. Vì thế, chính quyền địa phương bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động, công khai tất cả quy hoạch, hình ảnh tương lai hạ tầng dự án sẽ như nào, nhà văn hóa sẽ được xây dựng ở đâu, bố trí trường học chỗ nào... để người dân nắm rõ. Từ đó, người dân sẽ thấy rằng, mình không bị mất quyền lợi gì mà lại còn được hưởng các tiện ích tốt nhất, được sống trong môi trường, khu vực an toàn hơn. Bên cạnh đó, để đảm bảo cuộc sống cho người dân, chính quyền huy động mọi nguồn lực, thậm chí, đưa cả ngân hàng vào cuộc xây dựng chính sách hỗ trợ người dân phải di dời khẩn cấp như khoanh nợ, khoanh vốn nên người dân rất đồng thuận" - ông Hưng nói.

“Qua quá trình khảo sát nghiên cứu cho thấy, địa chất khu vực này là ổn định, đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sạt trượt như cái nơi khác” - ông Hưng cho biết.

Theo kế hoạch, phần hạ tầng của khu tái định cư sẽ phải xong trong tháng 7. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, mưa nhiều quá nên nhà thầu không thi công liên tục được, do đó, tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Nhà thầu đang cố gắng hoàn thành các hạng mục công trình sớm nhất có thể.

Còn những trăn trở

Hầu hết người dân mà chúng tôi đã gặp ở xóm Rài đều bày tỏ biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã giúp bà con có nơi định cư mới. Ông Bùi Văn Dòn chia sẻ: “Tháng 2/2025, chúng tôi được nhận đất để tái định cư. Mỗi hộ được 200m2. Người dân chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước vì đã bố trí cho chúng tôi nơi ở mới an toàn hơn. Từ bây giờ, chúng tôi có thể yên tâm sinh sống, không còn phải lo lắng, bất an mỗi khi mưa gió nữa”.

Thực tế, bên cạnh niềm vui, người dân xóm Rài vẫn còn trăn trở băn khoăn, bởi mức kinh phí được hỗ trợ dựng nhà 60 triệu đồng/hộ là quá ít để có thể xây dựng được ngôi nhà mới. “Chúng tôi hiện còn nhiều khó khăn, hầu hết đều phải đi làm thuê, làm mướn để có thu nhập. Căn nhà của tôi mới làm năm trước hết 400 triệu đồng, vẫn còn chưa trả hết nợ thì nay lại phải bỏ đi do nguy cơ sạt lở. Với 60 triệu đồng hỗ trợ, tôi chưa biết xoay sở thế nào để có đủ kinh phí làm nhà. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm để chúng tôi có thể an cư” - ông Bùi Văn Thuổn chia sẻ.

Ngoài lo tiền làm nhà, người dân xóm Rài còn lo lắng về sinh kế, bởi đất nông nghiệp bị thu hẹp. Về vấn đề này, ông Hưng cho biết, diện tích đất thu hồi làm khu tái định cư đều là đất cho năng suất thấp. Hơn nữa, người dân cũng bị thu hồi một phần nhỏ nên không ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm. Tuy nhiên, sắp tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị chăn nuôi đưa những chương trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế theo hình thức nuôi lợn ỉ với sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật. Hy vọng, với sự chung tay vào cuộc của chính quyền, người dân xóm Rài sẽ sớm ổn định cuộc sống, giữ được an toàn trước thiên tai.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-truoc-thien-tai-dam-bao-an-cu-lac-nghiep-post492666.html