Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa có công điện khẩn gởi các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương chủ động triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông có thể mạnh lên thành bão.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể mạnh lên thành bão.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể mạnh lên thành bão.

Theo đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra, rà soát phương tiện, vật tư dự phòng để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ở địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố do thiên tai gây ra.

Các địa phương ven biển, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ động thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ/bão, để chủ động phòng tránh thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm trong 24-48 giờ tiếp theo. Kiểm đếm quản lý chặt chẽ các tàu thuyền đang hoạt động trên biển và ven bờ, không để sót tàu thuyền trong vùng nguy hiểm; có kế hoạch sản xuất phù hợp; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền ở bến bãi, các khu neo đậu, đảm bảo an toàn về người và phương tiện. Sẵn sàng các phương án ứng phó tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, lồng bè hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người.

Tổ chức triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập nhất là các công trình đang thi công, sửa chữa ven sông, ven biển và các công trình kỹ thuật, hạ tầng khác; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Chủ động tổ chức kiểm tra các khu vực thường xuyên bị sạt lở đất, lũ, ngập lụt, nhất là khu vực ven biển, ven sông, khu vực trũng thấp, ngập sâu và triển khai các phương án (di dời, sơ tán dân; bảo vệ sản xuất..) ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.

Các chủ hồ thủy lợi, thủy điện tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, nhất là mưa lớn ở thượng nguồn; chủ động vận hành, điều tiết, tích nước, đón, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, đảm bảo không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản nhân dân khu vực ven sông vùng hạ du hồ chứa; thực hiện phương án đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 17/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc, 117,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông khu vực Bắc biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 25-30km/giờ. Dự báo trong 24-48 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11. Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km; cường độ ít thay đổi. Với diễn biến của ATNĐ này còn rất phức tạp (dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển).

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/320794/chu-dong-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-co-the-manh-len-thanh-bao.html