Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới gần bờ
Ngày 1 và 2-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành công điện gửi ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn trên diện rộng.
Ngày 1 và 2-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN) ban hành công điện gửi ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn trên diện rộng.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, hiện trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam xuất hiện ATNĐ. Trong ngày 3 và 4-9, ATNĐ ít di chuyển, sau đó di chuyển dần theo hướng đông bắc và có khả năng mạnh lên thành bão.
Trên Biển Đông, một ATNĐ khác cũng đã hình thành. Hồi 7 giờ ngày 3-9, vị trí tâm ATNĐ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của 2 ATNĐ này, cơ quan chuyên môn cảnh báo: Gió tây nam trên vùng biển Bình Định đến Bình Thuận và quần đảo Trường Sa mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 -9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 3 - 4m. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, 2 ATNĐ có thể mạnh lên thành bão không ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa, nhưng nhiều khả năng sẽ gây mưa lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết; sẵn sàng về lực lượng, phương tiện cũng như các phương án ứng phó với mưa lớn trên đất liền. Đơn vị quản lý hồ chứa, thủy điện trên địa bàn nắm chắc tình hình mưa lũ để tính toán lượng nước về hồ, chủ động vận hành, tích nước hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho hạ du. Trên biển, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, liên tục thông báo cho các chủ tàu về hướng di chuyển, vùng ảnh hưởng của ATNĐ để các tàu chủ động phòng tránh.
Tại thời điểm 6 giờ ngày 3-9, mực nước sông Cái Nha Trang là 2,53m, dưới báo động 1 là 5,47m. Còn trên sông Dinh Ninh Hòa là 2,89m, dưới báo động 1 là 1,11m. Lượng nước trên 18 hồ thủy lợi và 1 hồ thủy điện hầu hết đang ở mức rất thấp, phổ biến chỉ còn 20 - 30% lượng nước so với dung tích. Tổng lượng nước tại các hồ chứa hiện chỉ còn 65,38 triệu m3, chiếm 26% dung tích toàn bộ.
Trên biển, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng vào sáng 3-9, tỉnh Khánh Hòa có 609 tàu/3.416 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về ATNĐ và có kế hoạch chủ động phòng tránh an toàn.
Hồng Đăng