Chủ động ứng phó bão số 5 trong bối cảnh dịch COVID-19
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão. Dự báo, từ 7 giờ ngày 11/9 đến 7 giờ ngày 12/9, bão di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 7 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị-Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Khu vực từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm
Trước diễn biến nguy hiểm của bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên đã ban hành Công điện, các văn bản chỉ đạo việc chủ động ứng phó với bão số 5.
Theo dõi sát diễn biến của bão
Ngày 11/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 5 theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin kịp thời đến người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão trên các phương tiện thông tin công cộng (đài, loa xã phường,…); yêu cầu các nhà mạng cần tổ chức nhắn tin ngay về tình hình diễn biến cơn bão; cương quyết kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và đảm bảo an toàn tàu thuyền trong khu vực neo đậu tránh trú bão; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, đôn đốc tuyệt đối không để dân trên các lồng bè, chòi canh, bãi ngang, khu có nguy cơ sạt lở.
Cùng với đó, tùy theo tình hình các địa phương quyết định cấm biển; tổ chức xét nghiệm, xác định F0, F1, đảm bảo an toàn các điều kiện cách ly (các điều kiện 5K), cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu; khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây, hành lang lưới điện; bảo vệ công trình đê biển, hồ chứa; xả lũ an toàn, kết hợp tích nước các hồ còn thiếu nước; rà soát các dự án điện, đặc biệt các dự án điện gió, dừng các công trường thi công (trong đó có công trình điện), nhất là ở vùng ven biển, trên cao, ven sông suối (không để xảy ra như Rào Trăng 3) trong thời gian ảnh hưởng của bão.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo về bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo độ tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Các đơn vị nêu trên duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu, tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Có 4.814 ca F0 trong vùng ảnh hưởng của bão
Theo số liệu của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các địa phương có dịch đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh. Hiện có 4.814 ca F0 và 11.792 ca F1 thuộc 8 tỉnh, thành phố là Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Bình Định với 38 quận, huyện ven biển đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ. Riêng Nam Định có phương án sơ tán 600 ca F1 đang cách ly tại huyện Hải Hậu về Công ty đóng tàu Thịnh Long và trạm y tế xã, thị trấn; 200 ca F1 đang cách ly tại huyện Giao Thủy sơ tán về Trường dạy nghề và Trường THPT Giao Thủy; Bình Định có phương án sơ tán 352 ca F0 thuộc 4 huyện về hội trường, nhà Văn hóa và trụ sở Tôn giáo xã.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã rà soát phương án sơ tán dân lồng ghép nội dung phòng, chống COVID-19, dự kiến sơ tán 664.238 người dân khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định.
Tàu thuyền được hướng dẫn di chuyển, tránh trú; hệ thống đê được chú ý
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 11/9/2021 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu, thuyền/349.088 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú (hoạt động ở khu vực vùng nguy hiểm: 70 tàu/640 người, hoạt động khu vực khác 9.053 tàu/46.621 người, neo đậu tại các bến 62.377 tàu/301.827 người).
Thông tin từ Vụ Quản lý đê điều, hiện các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 33 vị trí đê điều xung yếu, trong đó có 24 đoạn đê (với chiều dài 37,22km) và 9 cống dưới đê;
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có 42 vị trí đê, kè xung yếu, trong đó có 51 đoạn đê (với chiều dài 821,11km), 33 đoạn kè, 8 cống dưới đê.
Có 15 công trình đang thi công dở dang (Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế).
Những thiệt hại ban đầu
Báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ quét và dông, lốc, sét từ ngày 7-9/9 đã làm 1 người chết do lũ cuốn trôi khi đi qua suối tại tỉnh Gia Lai (bà Rơ Ô H’Niên, 31 tuổi, trú tại buôn Ia Prông, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa); 1 nhà bị sập tại Nghệ An, 2 nhà bị hư hỏng tại tỉnh Thanh Hóa; 1382,1ha lúa bị ngập, gãy đổ, cuốn trôi (Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa); 92,6ha rau màu bị hư hại (Quảng Bình,Thanh Hóa); 90 vị trí tuyến đường quốc lộ (QL217, QL16, QL47, QL15C) đoạn qua tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở taluy, xói trôi lề đường với tổng khối lượng 4.600m3; một số tuyến đường nội tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Gia Lai bị ngập, sạt lở, hư hỏng. Hiện giao thông đi lại đã thông suốt.