Chủ động ứng phó bão VONGFONG
* Mưa lớn, lốc xoáy gây thiệt hại ở nhiều nơiTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay ở vùng biển phía đông miền trung Phi-li-pin có một cơn bão đang hoạt động có tên quốc tế là VONGFONG.
Dự báo, 13 giờ ngày 14-5, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ vĩ bắc; 126,0 độ kinh đông, cách bờ biển miền trung Phi-li-pin khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (100-135 km/giờ), giật cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 13 giờ ngày 15-5, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ vĩ bắc; 122,5 độ kinh đông, trên khu vực miền trung Phi-li-pin.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (100-135 km/giờ), giật cấp 14. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 13 giờ ngày 16-5, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ vĩ bắc; 120,0 độ kinh đông, trên khu vực phía tây đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng bắc, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được từ 15-20 km.
* Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão VONGFONG, ngày 13-5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công văn số 149/TWPCTT-VP gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, đề phòng bão đổi hướng đi vào Biển Đông; thông báo cho tàu, thuyền hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; tổ chức trực ban theo quy định, thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lục địa kết hợp với vùng hội tụ gió trên mực 1.500 m nên khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa từ 20-40 mm/12 giờ, có nơi hơn 50 mm/12 giờ). Các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chiều tối có mưa dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.
Tại TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ, từ ngày 14 đến 15-5 nắng nóng giảm dần về cường độ và thu hẹp dần về diện, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 16-5 trở đi, mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực, đêm có mưa rào và dông vài nơi, nắng nóng tiếp tục giảm.
* Tại Lai Châu, mưa lớn kèm gió lốc xảy ra trong đêm 12, rạng sáng 13-5 tại huyện Nậm Nhùn làm một người bị thương; 74 nhà dân, 11 cơ quan công sở và doanh nghiệp bị tốc mái, đổ sập, hư hỏng. Ngoài ra, nhiều cột điện, cây xanh, lúa, hoa màu bị gãy đổ… Tổng thiệt hại ban đầu ước tính 2,5 tỷ đồng. Chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
* Chiều tối 12-5, mưa lớn, kèm lốc xoáy gây thiệt hại nặng ở huyện Định Quán và TP Long Khánh (Đồng Nai). Chỉ riêng địa bàn ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, lốc xoáy đã làm ít nhất 20 căn nhà bị tốc mái và sập hoàn toàn. Ngoài ra, nhiều diện tích cây ăn quả, như: sầu riêng, chôm chôm, mít, xoài đang vào vụ thu hoạch bị rụng trái, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng. Còn tại TP Long Khánh, một số trang trại trồng trọt và chăn nuôi ở xã Bảo Quang bị thiệt hại nặng.
* Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang, dông lốc tối 11-5 và sáng 12-5 làm 125 nhà bị tốc mái, trong đó một nhà sập hoàn toàn. Ngô bị gãy đổ, thiệt hại: 13,02 ha. Cây keo bị gãy đổ sáu ha.
Ước tính tổng thiệt hại hơn 800 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, địa phương đã huy động lực lượng khắc phục nhà cửa người dân bị thiệt hại, khôi phục sản xuất.
* Ngày 13-5, đoàn công tác huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế đến thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do dông lốc thuộc hai xã Hồng Thái và Quảng Nhâm. Tại xã Quảng Nhâm, đoàn công tác đã tặng 10 suất quà cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi phần quà bao gồm: gạo, dầu ăn, mì chính và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác.
* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng con giống phục vụ công tác tăng đàn và tái đàn lợn, thời gian tới sẽ tăng cường nhập khẩu lợn giống bố mẹ, và việc nhập khẩu lợn nái hậu bị nói chung và lợn giống là không có hạn ngạch. Đồng thời thực hiện áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học ở mức cao nhất.
* Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay việc tái đàn lợn đang gặp khó khăn, do khan hiếm nguồn con giống và giá đang ở mức cao gấp nhiều lần so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Bên cạnh đó, hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh nên các hộ chăn nuôi ngại tái đàn, vì lo sợ dịch bùng phát lại. Đến thời điểm này, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, gia trại giảm khoảng 40% so với thời điểm trước dịch; các cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung giảm khoảng 22%.
* DTLCP bùng phát đã làm giảm khoảng 12% tổng đàn lợn của tỉnh Cà Mau. Hiện tỉnh đã đặt mục tiêu tái đàn lợn để khôi phục và phát triển sản xuất. Theo đó, các ngành chức năng tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ phối giống nhân tạo trên lợn để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất giống. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, định hướng quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi lợn tập trung để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học.
* Ngày 13-5, tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, lực lượng quân y đảo Tiên Nữ, thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đã tiếp nhận và cấp cứu ngư dân Phạm Văn Trinh với vết thương dài khoảng 7 cm ở vùng bụng. Trước đó, chiều 12-5, khi đang khai thác hải sản, ngư dân Phạm Văn Trinh, 19 tuổi, quê quán xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, là thuyền viên trên tàu QNa 91996 TS, do ông Võ Văn Kiệt, sinh năm 1974 làm chủ tàu, bị vật nhọn trên tàu đâm thủng bụng, mất nhiều máu.
* Chiều 13-5, khi đang neo đậu, tàu cá mang số hiệu QNa 94276 TS của ngư dân Phạm Văn Vân, sinh năm 1976, ở thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bất ngờ bốc cháy, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44456802-chu-dong-ung-pho-bao-vongfong.html