Chủ động ứng phó biến chủng Omicron

Khả năng biến chủng Omicron xuất hiện ở Việt Nam là rất cao, bởi vậy, theo các chuyên gia y tế, điểm mấu chốt là người dân cần thực hiện tốt 5K, đồng thời nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 89 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 89 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 89 quốc gia/vùng lãnh thổ. Số người mắc biến thể này đang tăng gấp đôi chỉ trong khoảng 1,5 - 3 ngày ở những khu vực có tình trạng lây lan trong cộng đồng.

Công điện 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 nhận định, khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao. Ứng phó với biến chủng mới của dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới là một vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng trước hết, cần bám sát những kết quả nghiên cứu được thế giới công bố về đặc điểm khoa học của biến chủng Omicron. Đến thời điểm hiện tại, giới khoa học đều chung nhận định, tốc độ lây lan của biến chủng Omicron rất nhanh. Khía cạnh độc lực của biến chủng mới vẫn còn đang gây tranh cãi.

Theo dữ liệu được các nhà khoa học Nam Phi công bố, biến chủng Omicron chỉ ảnh hưởng tới đường hô hấp trên, chứ không ảnh hưởng tới đường hô hấp dưới như biến chủng Delta. Hầu hết các ca nhiễm có thể phục hồi nhờ điều trị đơn giản.

Mỹ cũng ghi nhận tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Omiron và đã xuất hiện ca tử vong dù trường hợp này không tiêm vaccine COVID-19. Nhiều quốc gia đã báo cáo tình trạng bệnh nhẹ và tử vong thấp.

Về hiệu quả của vaccine COVID-19 với biến chủng mới, câu hỏi liệu các loại vaccine đang có có ngăn chặn được biến chủng này hay không cũng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.

Từ những thông tin trên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến nghị điều căn bản và dễ thực hiện nhất là người dân cần thực hiện tốt 5K. Đặc biệt, người dân cần nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn liên tục vì đây là những yếu tố then chốt để phòng ngừa lây nhiễm.

"Kinh nghiệm thực tế cho thấy, người thực hiện tốt 5K thì ít có khả năng bị lây nhiễm. Ngoài việc tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5K, cần có các chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm, chẳng hạn tập trung đông người, không đeo khẩu trang", PGS.TS Nguyễn Huy Nga đề nghị.

Biện pháp phòng lây nhiễm tiếp theo, theo vị chuyên gia, là tăng tối đa độ phủ vaccine.

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã có Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Công điện yêu cầu thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cũng tán thành quan điểm chỉ đạo tại Công điện 1745, đó là không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng, mà một trong những giải pháp là tăng cường cách ly, điều trị tại nhà.

“Chỉ có F0 có diễn biến bệnh nặng mới phải điều trị ở bệnh viện, nơi có đầy đủ điều kiện trang thiết bị y tế. F0 không triệu chứng cần ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi và theo dõi sát diễn biến. Có thể bổ sung thêm các loại vitamin, chẳng hạn vitamin C, để tăng cường sức đề kháng, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan", PGS.TS. Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Theo dõi độc lực của biến chủng Omicron

Cùng nhận định, TS.BS. Trương Tấn Minh, Chủ tịch Hội Y tế công cộng tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, một số quốc gia gần Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan đều đã ghi nhận biến chủng Omicron. Do vậy, nguy cơ biến chủng này xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, nhất là khi khôi phục đường bay quốc tế.

"Chúng ta đã bước sang giai đoạn bình thường mới, do đó, không thể ngăn chặn biến chủng Omicron theo kiểu khoanh vùng, phong tỏa... Cần theo dõi độc lực của biến chủng này để có giải pháp ứng phó, điều trị phù hợp. Ngoài ra, việc củng cố hệ thống y tế cơ sở thật tốt nên được coi là yêu cầu mấu chốt. Nếu cần thiết, có thể xem xét bổ sung nhân viên y tế để có đủ lực lượng điều trị kịp thời cho F0 cách ly, điều trị tại nhà. Làm được như vậy, dù số lượng ca nhiễm có thể tăng nhưng sẽ không tạo áp lực quá lớn tới hệ thống y tế, giảm tải cho lực lượng y tế, ngăn chặn những vấn đề khác về mặt xã hội", BS. Trương Tấn Minh cho biết.

Cùng với đó, vị chuyên gia khuyến nghị, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị thật tốt ở tầng 3 - tầng điều trị các trường hợp F0 nặng và nguy kịch để giảm tỷ lệ tử vong; kịp thời cấp phát thuốc điều trị cho F0 có nhu cầu.

Sự chủ động phòng tránh lây nhiễm COVID-19 từ phía người dân trong giai đoạn này cũng được vị chuyên gia hết sức lưu ý.

Theo đó, những người xung quanh có thể nhiễm biến chủng Omicron bất cứ lúc nào, do vậy, người dân tuyệt đối không hoang mang cũng không chủ quan, thực hiện tốt 5K để giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh. Mỗi người cần đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách và tuân thủ quy định phòng, chống dịch, đồng thời phải ý thức được trách nhiệm của mình, trước hết là trách nhiệm của bản thân trong phòng chống dịch.

Thành Luân

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/chu-dong-ung-pho-bien-chung-omicron/457204.vgp