Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, siết chặt quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Huỳnh Thị Hằng vừa ký ban hành Kế hoạch số 314-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 4-6-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng; tập trung nguồn lực giải quyết các nguy cơ gây cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái. Thúc đẩy phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực, địa phương, ở từng cấp độ. Từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển mạnh sang phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Có chính sách hỗ trợ để thu hút các dự án đầu tư xanh, công nghệ hiện đại, tiên tiến, ít phát thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên.
Thường xuyên cập nhật kịch bản, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, sạt lở đất, lũ quét; thực hiện các giải pháp tổng thể về phòng, chống sụt lún, sạt lở bờ sông. Chú trọng công tác di dời, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao. Chủ động bố trí nguồn lực cho các hoạt động khắc phục, tái thiết và phát triển trở lại trạng thái bình thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, bảo đảm đồng bộ, liên thông đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Tăng cường biện pháp khai hoang, phục hóa, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng có hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông; thúc đẩy hoạt động khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu. Khai thác, phân phối, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước. Tăng cường trao quyền quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng cho cộng đồng.
Thực hiện tốt việc khai thác, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải tại các đô thị, khu dân cư; cải tạo, phục hồi các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xây dựng đồng bộ hệ thống, hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát triển ngành công nghiệp tái chế, đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch cho người dân. Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; có biện pháp quản lý hiệu quả đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW, Kết luận số 81- KL/TW. Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của đơn vị, địa phương, đồng thời xác định cụ thể cơ chế, nguồn lực thực hiện sát với tình hình thực tiễn.