Chủ động ứng phó
Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường với nhiều loại hình thời tiết cực đoan đã, đang tác động trực tiếp đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đối với thành phố Hà Nội, vài năm trở lại đây mặc dù không phải gánh chịu những thiệt hại lớn từ 'mẹ thiên nhiên' nhưng những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu đã thật sự trở thành một thách thức đối với tiến trình phát triển.
Trong năm 2020, tại nước ta, những loại hình thiên tai nguy hiểm đã làm 357 người chết và mất tích, làm sập 3.429 ngôi nhà…, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 39.962 tỷ đồng. Riêng Thủ đô Hà Nội cũng phải “gồng mình” chống chọi với 3 cơn bão và hoàn lưu bão.
Phía sau những mất mát có thể đong đếm là hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội tác động trực tiếp đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Do vậy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai phải trở thành nhận thức, hành động chung của các cấp chính quyền và mỗi người dân.
Thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng đó là sự vận động của tự nhiên. Tư duy “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu phải được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể của mỗi người. Ngày 6-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”, trong đó chú trọng mục tiêu tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Hiện tại, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này.
Để ứng xử hài hòa với thiên nhiên, với Hà Nội trước hết cần thúc đẩy đồng bộ các giải pháp đưa Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025” vào cuộc sống.
Trong đó, các cơ quan chức năng, địa phương của thành phố cần nhanh chóng triển khai và hoàn thành tốt các công việc nhằm sẵn sàng phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, ngập lụt; xây dựng phương án di dời dân cư ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi gặp mưa lớn... Đồng thời tăng cường phối hợp, đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống thiên tai đến mọi đối tượng thông qua việc tổ chức các triển lãm trưng bày hình ảnh, tư liệu về thiên tai, những bài học kinh nghiệm…; đa dạng hóa các tài liệu và phương thức truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Bên cạnh đó là hướng dẫn người dân các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn qua việc tăng cường tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai; xây dựng, nhân rộng các điển hình về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng… để từ đó, mỗi người dân nhận thức rõ trách nhiệm và tham gia phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả nhất.
Về lâu dài, cùng với việc đưa công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của mỗi ngành, mỗi địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu lồng ghép nội dung này vào những môn học để giảng dạy trong các nhà trường, từ đó hình thành cung cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên trong mỗi người dân.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp phát triển bền vững Thủ đô.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/999624/chu-dong-ung-pho