Chủ động ứng phó cơn bão số 5 trong bối cảnh dịch Covid 19
Đây là nội dung công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong vừa ban hành đến các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh. Qua đó, nhằm chủ động ứng phó cơn bão số 5 (Conson) trong bối cảnh dịch Covid-19. Đặc biệt là phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè trên biển, phòng tránh mưa lớn gây lũ, ngập lụt, sạt lở bờ biển.
Chủ động ứng phó cơn bão số 5 tr
UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển thông tin kịp thời tình hình thời tiết, diễn biến, hướng di chuyển của cơn bão số 5 cho tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản, lồng bè trên biển và các công trình ven biển, khu vực bị sạt lở có phương án ứng phó, khắc phục nhanh các sự cố do gió mạnh, sóng lớn, nước biển dâng.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với UBND các địa phương có hồ chứa nước, đập dâng kiểm tra an toàn các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Theo dõi tình hình mưa, lũ để vận hành an toàn hồ chứa theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và an toàn cho người dân ở khu vực hạ du các hồ chứa nước. Đồng thời, rà soát các khu vực dọc ven sông, suối, ao, bàu, vùng trũng thấp thường bị ngập sâu. Thông báo kịp thời cho các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khu vực hạ du biết trước để chủ động ứng phó khi phải vận hành xả lũ khẩn cấp (nếu có) theo quy định. UBND các địa phương rà soát các khu vực dân cư ven biển, ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở. Chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Riêng đối với UBND thị xã La Gi, cần khẩn trương khắc phục, hỗ trợ cho ngư dân trong quá trình trục vớt tàu thuyền bị chìm vào ngày 28/8 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, không để xảy ra sự cố, thiệt hại tương tự khi tình hình mưa, lũ được dự báo còn diễn biến phức tạp trong thời gian đến…
Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ hôm nay (9/9), vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 116, 9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động có cường độ mạnh dần lên, từ sáng ngày 10/9, khu vực ngoài khơi vùng biển Bình Thuận (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động mạnh. Sóng biển cao trung bình 2 - 3 mét, có lúc sóng biển cao 3 - 4 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2.
K.Hằng