Chủ động ứng phó diễn biến bất thường của mưa bão

Mùa mưa bão 2019 đã chính thức bắt đầu. Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, tỉnh Quảng Nam đã lên những kế hoạch cụ thể nhằm chủ động ứng phó với thiên tai.

Mùa mưa bão 2019 đã chính thức bắt đầu. Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, tỉnh Quảng Nam đã lên những kế hoạch cụ thể nhằm chủ động ứng phó với thiên tai.

Tam Kỳ ngập úng lịch sử vào cuối năm 2018.

Tam Kỳ ngập úng lịch sử vào cuối năm 2018.

Ứng dụng bản đồ ngập lụt hạ du

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai: Dông, lốc, sét, động đất, mưa lớn, ngập lụt. Cụ thể, thiên tai đã làm 4 người chết, 14 người bị thương; hàng ngàn héc-ta lúa, rau màu bị ngập; hơn 108 ngôi nhà bị hư hỏng cùng nhiều thiệt hại về nông nghiệp, giao thông, thủy sản...; tổng thiệt hại ước tính lên đến 457 tỷ đồng. Theo dự báo, từ tháng 9 đến 12-2019, khả năng các địa phương trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng từ 1 đến 2 cơn bão. Cũng theo dự báo, Quảng Nam có thể xuất hiện 2-3 đợt lũ, đỉnh lũ lớn nhất xấp xỉ ở mức báo động II, thời gian xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất có khả năng xảy ra trong tháng 11.

Để chủ động ứng phó với những cơn lũ lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã phối hợp, hoàn thành và chuyển giao bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Đây là sản phẩm do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT bàn giao. Theo Th.s Võ Ngọc Dương-Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, mục tiêu chung của dự án này nhằm đảm bảo độ chính xác tương ứng với các kịch bản tính toán cho vùng hạ du các hồ chứa lớn của lưu vực sông gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4, Bung 4 và hồ Phú Ninh. Theo đó, sau khi xác định được phạm vi ngập, độ ngập, thời gian ngập sẽ xác định được khu vực nào cần bảo vệ và tuyến thoát lũ chính, đề xuất các giải pháp thoát lũ. Sau thời gian tích cực triển khai, hiện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chuyển giao bản đồ này đến Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương cũng như đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện, khai thác thủy lợi để có ứng dụng kịp thời trong mùa mưa bão năm nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: "Từ bản đồ này, các đơn vị được chuyển giao sẽ nghiên cứu, ứng dụng vào việc rà soát, bổ sung phương án sơ tán dân vùng hạ du, xây dựng phương án PCTT, ứng phó tình huống khẩn cấp và công tác chỉ huy ứng phó lũ trên địa bàn. Khi có tình hình xấu xảy ra thì các địa phương chỉ cần nhìn vào đó là sẽ biết di dời dân khu vực nào, ra sao, nhằm tránh trường hợp lúng túng, bị động". Cũng theo ông Lê Trí Thanh, vừa qua Quảng Nam đã đạt được thỏa thuận và là địa phương duy nhất trên toàn quốc được chọn triển khai thí điểm trong chương trình hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản về PCTT. Không chỉ hỗ trợ về hệ thống trang thiết bị, phần mềm, phía Nhật Bản cũng sẽ đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác PCTT các cấp.

Nỗi lo phố biến thành "sông"

Một điểm đáng lưu ý nữa là trong năm 2018, lần đầu tiên TP Tam Kỳ bị ngập úng lịch sử. Thời điểm đó, theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, trong 50 năm qua, địa phương chưa từng xảy ra mưa lớn kỷ lục, bất thường gây ngập úng nào như vậy.

Trong đợt mưa lớn vào cuối tháng 12-2018, TP Tam Kỳ xảy ra ngập lụt lịch sử với mức độ khá nghiêm trọng. Việc đô thị Tam Kỳ biến thành "sông" khi trời mưa to đã gây ra thiệt hại nặng nề và trở thành nỗi ám ảnh trong mùa mưa 2019. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dù hệ thống thoát nước, thu gom, xử lý nước thải và thoát nước đô thị Tam Kỳ đã thi công nhưng một số vị trí trũng thấp trên tuyến đường Phan Châu Trinh vẫn bị tình trạng ngập khi trời mưa to kéo dài. Một số cống thoát nước có hiện tượng "trào ngược dạ dày", một số cửa thu nước bị ngập, không phát huy hiệu quả. Trong khi đó đô thị Tam Kỳ có độ dốc thoát nước khá thấp, hướng tuyến thoát nước không đảm bảo, năng lực thoát lũ của các dòng sông hạn chế. Bên cạnh, triều cường dâng lên theo chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến việc thoát nước và ngập kéo dài.

Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, hiện nay TP mới chỉ có quy hoạch thoát nước chung chứ chưa có quy hoạch chi tiết. Do đó, thành phố sẽ kiến nghị tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí quy hoạch thoát nước, dự báo bản đồ ngập lụt cho TP Tam Kỳ với các kịch bản phù hợp. Trong mùa mưa bão năm nay sẽ tập trung nạo vét, khơi thông, khớp nối đảm bảo thoát nước cho đô thị tránh tình trạng ngập úng kéo dài như năm qua. Thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, thu thập số liệu qua đợt lũ 2018 để đưa vào quy hoạch sau này. Một số khu vực ngập úng cũng sẽ được chỉnh trang, nâng cấp. "Thực tế thời gian vừa qua các công trình có quy mô xây dựng lớn như kè sông Bàn Thạch, đường vào Khu công nghiệp Tam Thăng, đường Điện Biên Phủ cũng đã làm thay đổi dòng chảy, gây nên hiện tượng ngập úng diện rộng và có nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa lũ. Tam Kỳ mong muốn tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá và có phương án đảm bảo an toàn lâu dài cho các hộ dân vùng sạt lở. Đồng thời, về lâu dài, thành phố cần sự hỗ trợ để phân tích, đánh giá và có giải pháp bền vững trong vấn đề thoát nước đô thị" - ông Nguyễn Minh Nam đề xuất.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_214569_chu-dong-ung-pho-dien-bien-bat-thuong-cua-mua-bao.aspx