Chủ động ứng phó gió mùa Tây Nam

Mùa mưa trên địa bàn tỉnh đã chính thức bắt đầu, đồng nghĩa với các loại hình thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), dông, lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, tính mạng, tài sản của người dân cho đến các công trình công cộng, sản xuất… đều đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại nếu biện pháp phòng tránh thiếu chủ động, không sát với thực tế.

Những tháng mùa mưa cũng là khoảng thời gian tập trung của hiện tượng gió mạnh trên biển. Thực tế, trong những năm qua, trên vùng biển của tỉnh thường xuyên có gió mạnh, sóng lớn, với sức gió từ cấp 5-7, giật cấp 8-9, đã làm thiệt hại nhiều tài sản, thậm chí là tính mạng của ngư dân và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác thủy sản. Riêng từ đầu năm đến nay, đã có 2 phương tiện tàu khai thác của người dân bị chìm,1 đáy hàng khơi bị sập do hiện tượng thời tiết xấu trên biển.

Từ đầu năm đến nay, gió mạnh trên biển đã làm sập 1 đáy hàng khơi.

Từ đầu năm đến nay, gió mạnh trên biển đã làm sập 1 đáy hàng khơi.

Trường hợp tàu cá CM 02400 TS là 1 trong 2 phương tiện không may mắn ấy. Xuất bến qua cửa Cái Ðôi Vàm lúc 4 giờ, ngày 16/4, để hành nghề lưới cá, thế nhưng chỉ sau khoảng 6 giờ thì tàu đã bị sự cố và chìm cách vàm cửa Cái Ðôi Vàm khoảng 5 hải lý về hướng Tây Bắc. Ðiều may mắn là ngay sau đó thông tin tàu bị sự cố đã được thông báo đến Ðồn Biên phòng Cái Ðôi Vàm thông qua hệ thống thông tin liên lạc - tìm kiếm cứu nạn trên biển. Khi nhận tin báo, Ðồn Biên phòng Cái Ðôi Vàm điều động 1 tàu với 6 cán bộ, chiến sĩ và huy động 1 tàu với 6 người dân tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Ðến 14 giờ cùng ngày, tổ tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận được vị trí tàu chìm, đưa 2 thuyền viên bị nạn đang trôi dạt trên biển lên tàu biên phòng đưa vào bờ an toàn và hỗ trợ trục vớt tàu chìm.

Ðã qua hơn 1 tháng nhưng ông Giang Thanh Quyết (Khóm 3, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân), vừa là chủ, kiêm thuyền trưởng tàu CM 02400 TS bị chìm, vẫn còn bàng hoàng khi kể: "Mới ra tới vị trí khai thác thì gặp ngay sóng lớn, chỉ vài cơn sóng tàu đã bị phá nước chìm, hai anh em trôi dạt trên biển. Cũng may là tàu được trang bị đầy đủ thông tin liên lạc để cầu cứu và phao, chúng tôi mới giữ được tính mạng".

Từ bao đời nay, cái nghề sớm tối lênh đênh cùng sóng nước luôn phải đương đầu với gian khó, hiểm nguy. Dù vậy, các ngư dân vẫn âm thầm bám biển, bám thuyền để mưu sinh, duy trì, phát triển nghề truyền thống của cha ông, góp phần đưa kinh tế biển tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Không chỉ thời tiết biển diễn biến bất thường, mà mùa mưa còn là khoảng thời gian trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai như: dông, lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất ven biển, ven sông… Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các loại hình thiên tai này đã làm sập 10 căn nhà; tốc mái, hư hỏng 14 căn; 9 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 283 m, trong đó có 92 m lộ bê tông; vỡ 1.727 m bờ bao vuông tôm. Tổng thiệt hại về tài sản ước khoảng 4,42 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên thời gian tới ở khu vực Nam Bộ, trong đó có Cà Mau, tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Lực lượng tham gia phòng chống thiên tai thường xuyên diễn tập để nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống khi có thiên tai.

Lực lượng tham gia phòng chống thiên tai thường xuyên diễn tập để nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống khi có thiên tai.

Nhằm chủ động theo dõi, ứng phó với tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa dông, lốc, sét, kịp thời thông tin rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết, chủ động phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Ðặc biệt, các đơn vị có liên quan tăng cường thông tin cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, người canh giữ đáy hàng khơi, lồng bè, chủ các công trình ven biển, trên đảo và người tham gia các hoạt động trên biển, ven biển nắm tình hình gió mùa Tây Nam, chủ động kế hoạch hoạt động, sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, công trình…

Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh còn đề nghị Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở NN&PTNT và các địa phương, đơn vị có liên quan đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng điều tiết giao thông… đảm bảo cho người dân lưu thông, di chuyển an toàn tại khu vực bị hư hỏng hoặc có khả năng bị ngập. Thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu để kịp thời xử lý khi có sự cố; đồng thời vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy lợi để đảm bảo an toàn sản xuất cho người dân./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-ung-pho-gio-mua-tay-nam-a27691.html