Chủ động ứng phó hạn, mặn
Theo số liệu cập nhật từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn đo được trong ngày 4-3 tại cống Nàng Âm, huyện Vũng Liêm ở mức 4,2‰, tăng 1,4‰ so với 2 ngày trước.
Cùng thời điểm, độ mặn đo được ở trạm Tích Thiện là 3,6‰, Quới An 2,3‰, Trà Ôn 1,8‰ - đều tăng so với trước đó. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và khuyến cáo người dân đóng cống bọng nếu độ mặn vượt trên 1‰.
Ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, trong 2 tuần qua, độ mặn phía sông Hậu diễn biến phúc tạp và tăng cao. Tại một số trạm, độ mặn bên ngoài cống có nơi lên đến 12,4‰-15‰. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Cú, cho biết ngành nông nghiệp theo dõi sát sao tình hình độ mặn, vận hành các cống đầu mối theo hướng đóng trữ tích nước để bảo đảm mực nước trong nội đồng đủ phục vụ sản xuất lúa đông xuân.
Theo Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam, mặn xâm nhập sâu nhất trong tháng 3-2023 sẽ nhằm vào các ngày từ 5 đến 9 và từ 20 đến 25. Các địa phương thường xuyên nhiễm mặn gồm: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa, TP Tân An (tỉnh Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh)…
Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An nhận định xâm nhập mặn mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ đầu tháng 2-2023. Những đợt xâm nhập mặn cao nhất ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn diễn ra từ ngày 14 đến 19-3, 28-3 đến 3-4 và từ 12 đến 17-4.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết hằng năm, hạn hán và xâm nhặp mặn đã ảnh hưởng tương đối lớn đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Do đó, tỉnh luôn quan tâm và có những chỉ đạo về các giải pháp phòng chống hạn, mặn rất sớm.
"UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát lại các cống ngăn mặn để có các giải pháp kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, các địa phương phải tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn nước để chủ động lấy nước ngọt vào đồng ruộng, tránh ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Nông dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp cũng như chấp hành tốt những giải pháp, chủ trương phòng chống hạn, mặn của các cấp, ngành nhằm góp phần bảo đảm năng suất và chất lượng cây trồng" - ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.
Để bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt vào mùa khô năm nay, UBND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre vừa kiến nghị Sở NN-PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước, kịp thời vận hành dự trữ nước ngọt trong các hồ chứa và nội đồng để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân vào mùa khô khi có dấu hiệu xâm nhập mặn từ thượng nguồn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/chu-dong-ung-pho-han-man-20230305190936127.htm