Chủ động ứng phó hạn, mặn mùa khô 2024 tại Tây Nam Bộ

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), mùa khô 2023-2024, nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Ở các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện từ giữa tháng 1/2024, sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 15 ngày.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khả năng ở mức cao hơn năm 2015 - 2016, trường hợp cực đoan kéo dài xâm nhập mặn có khả năng sẽ tương đương như mùa khô 2019 - 2020, ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 ở vùng dự án ngọt hóa Gò Công và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây; thiếu nước ngọt ở các địa phương phía Đông của tỉnh.

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng đối với diện tích lúa Thu Đông 2023 trễ vụ không thể xuống giống kịp thời vụ Đông Xuân 2023 - 2024 theo khuyến cáo nhằm đảm bảo vụ Đông Xuân cắt nước trước ngày 15/2/2024; vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở NN&PTNT; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để đánh giá, dự báo tình hình thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa, có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh, với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa phù hợp với tình hình thực tế…

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1), giúp kiểm soát hạn mặn, tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp cho gần 385.000 ha đất vùng ĐBSCL.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1), giúp kiểm soát hạn mặn, tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp cho gần 385.000 ha đất vùng ĐBSCL.

Trà Vinh là tỉnh ven biển phía Đông Nam vùng ĐBSCL, chịu sự tác động của triều cường từ biển Đông và thiếu hụt nguồn nước từ dòng chảy thượng nguồn đổ về nên Trà Vinh thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn mặn, cơ quan chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình thủy lợi lấy, trữ nước hợp lý, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu Ngô Nguyên Phong cho biết, để chủ động ứng phó với hạn mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo phát triển sản xuất và có giải pháp cụ thể cho từng vụ mùa. Như diện tích lúa Tài nguyên dự kiến sẽ thu hoạch từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 (chủ yếu tập trung ở huyện Vĩnh Lợi) do khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước lúc cuối vụ. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và củng cố ô đê bao, trạm bơm như: có kế hoạch đắp đập tạm bơm chuyền, trang bị những động cơ bơm di động để khi có nắng hạn kéo dài gây thiếu nước ngọt sẽ có giải pháp đảm bảo tưới tiêu nước phục vụ sản xuất...

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn những năm trước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân vùng ĐBSCL.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn những năm trước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân vùng ĐBSCL.

Đối với sản xuất lúa vụ mùa 2023 - 2024 (trên đất tôm - lúa), ở những vùng sử dụng giống lúa một bụi đỏ, nếu thấy không đủ nước ngọt rửa mặn, thời gian rửa mặn kéo dài, không đảm bảo lịch thời vụ khuyến cáo thì có thể bố trí gieo mạ trên vườn, rẫy, hoặc chuyển sang sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu mặn để đảm bảo năng suất lúa.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No để phục vụ nguồn nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vùng ven biển An Biên - An Minh, một số khu vực trên địa bàn các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng đồng bộ sẽ tập trung gia cố, đắp mới các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn. Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hợp lý các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để đảm bảo nước ngọt cho yêu cầu sản xuất...

Sở NN&PTNT Sóc Trăng thường xuyên cập nhật độ mặn trong ngày, lịch vận hành các cống, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người dân biết; vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn để cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, xâm nhập mặn kéo dài; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống hạn, mặn; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn ngắn hạn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước, không xuống giống ở những khu vực không có nguồn tiếp ngọt.

Văn Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/chu-dong-ung-pho-han-man-mua-kho-2024-tai-tay-nam-bo-i720230/