Chủ động ứng phó hiện tượng thời tiết cực đoan, trái quy luật

PTĐT - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến phức tạp, không theo quy luật, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Các phương tiện máy móc được huy động để khắc phục sạt lở bờ sông tại khu 3, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa sau đợt mưa lớn kéo dài vào tháng 8/2020.

Các phương tiện máy móc được huy động để khắc phục sạt lở bờ sông tại khu 3, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa sau đợt mưa lớn kéo dài vào tháng 8/2020.

PTĐT - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến phức tạp, không theo quy luật, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh không phải cao điểm mùa mưa bão nhưng vài năm trở lại đây, thiên tai bất thường, diễn ra ra cả trong những tháng được xem là hiếm xảy ra như trước đây. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho người dân, chủ động ứng phó với mọi diễn biến khó lường của thời tiết là điều cần thiết.
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm. Từ đầu năm đến nay, thiên tai khốc liệt trên nhiều vùng miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2020, thiên tai xảy ra dồn dập, liên tiếp với 4 cơn bão, 1 vùng áp thấp và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền, 2 đợt mưa lũ lớn lịch sử, kéo dài tại khu vực miền Trung từ ngày 06-13/10 và từ ngày 16-20/10.
Trên địa bàn tỉnh, mưa to kèm giông lốc xảy ra nhiều đợt. Đặc biệt, trái với quy luật thời tiết hàng chục năm qua, vào cuối tháng 1, một số huyện phía Tây, Tây Nam của tỉnh xuất hiện giông lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh. Tiếp đó, trong tháng 3, xảy ra 4 đợt mưa đá, giông lốc xảy ra trên diện rộng; cuối tháng 4 vẫn còn đợt rét dị thường. Thời điểm xuất hiện những hiện tượng trên rất hiếm, thậm chí chưa từng xảy ra trong lịch sử quan trắc. Các chuyên gia lý giải nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở cả quy mô toàn cầu và khu vực. Một số hình thái thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc xảy ra nhanh và trên phạm vi hẹp nên đôi khi không dự báo và cảnh báo được dẫn đến gây hậu quả lớn; xả lũ các hồ thủy điện lên xuống nhanh khiến sạt lở bờ vở sông nhiều. Các đợt mưa to đến rất to diện rộng, kéo dài khiến nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Sạt lở đất là hiện tượng xảy ra rất nhanh nên cần chủ động phòng tránh, đặc biệt là sạt lở đất xảy ra vào ban đêm. Loại hình thiên tai này đã gây thiệt hại rất lớn về nhà cửa, sản xuất, công trình công cộng và cả tính mạng con người. Năm nay, một trong những đợt thiên tai gây thiệt hại nặng là đợt mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, đêm 26 ngày 27/9 gây thiệt hại về người, tài sản. Toàn tỉnh có 2 người chết do sạt lở taluy đất, 7 người bị thương do sạt lở taluy làm đổ tường nhà; có 6 nhà bị đổ sập, 18 nhà bị ảnh hưởng từ 50-70%. Mưa lớn còn khiến 22 điểm đường giao thông nông thôn bị sạt lở với khối lượng khoảng 12.500m3; nhiều đoạn bị sạt lở taluy dương. Trước tình hình trên, chủ động phòng ngừa là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai, nhất là hiện tượng thiên tai trái quy luật gây ra. Tại huyện Cẩm Khê, do đặc điểm địa hình nên địa bàn huyện thường chịu ảnh hưởng của các đợt lũ trên sông, ngòi gây nguy cơ mất an toàn đến hệ thống đê điều, đặc biệt là hệ thống đê ngòi Me, ngòi Giành, các tuyến đê bối tại một số xã. Tình trạng sạt lở bờ, vở sông vẫn còn diễn ra ở một số vị trí thuộc bờ hữu sông Thao gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Bà Trần Thị Thu Hưởng- Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, huyện cập nhật kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn để có chỉ đạo, ứng phó kịp thời. Ngay cả thời điểm không phải cao điểm mùa mưa bão nhưng hiện tượng thời tiết dị thường vẫn có thể xảy ra nên không lơ là, chủ quan với thiên tai; tinh thần lấy phòng tránh là chính, có sự chuẩn bị chu đáo theo phương châm “bốn tại chỗ”. Huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các giải pháp phòng, tránh.Công tác dự tính, dự báo, tăng cường tuyên truyền, trang bị kiến thức, cung cấp thông tin về phòng, chống thiên tai cho người dân là vô cùng quan trọng. Ngoài sự vào cuộc của chính quyền, người dân cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết; luôn đề cao tinh thần chủ động và tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương khi xảy ra sự cố. Cùng với đó, các địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng, có nguy cơ cần triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết đã được cảnh báo, nhưng với tinh thần chủ động ứng phó sẽ phần nào hạn chế được những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202011/chu-dong-ung-pho-hien-tuong-thoi-tiet-cuc-doan-trai-quy-luat-173994