Chủ động ứng phó, khắc phục thiên tai
Các tỉnh miền núi phía Bắc đang bước vào mùa mưa. Năm nay, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp hơn. Giông lốc xảy ra trên diện rộng, các trận mưa lớn kéo dài, cục bộ, gây ngập úng ở vùng thấp trũng, ở thành phố; lũ ống, lũ quét ở vùng núi cao. Một số tỉnh ghi nhận lượng mưa lớn, cục bộ như: Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hải Phòng… trong các ngày từ 7 - 10/6 vừa qua là ví dụ. Tại Hà Giang, Cao Bằng… người dân cho biết, đây là đợt mưa lớn nhất trong 30 năm qua. Cho thấy, thiên tai ngày càng diễn biến thất thường, khó lường, làm thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ở Điện Biên, trong đợt mưa lớn vừa qua đã làm sạt lở nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã tại Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé… Khu vực TP. Điện Biên Phủ ngập úng cục bộ Sân vận động tỉnh và các tuyến đường lân cận, làm đảo lộn cuộc sống của không ít gia đình nơi đây. Điều đáng nói, khu vực Sân vận động tỉnh nhiều năm nay cứ mưa lớn cục bộ là ngập. Mặc dù Nhà nước đã bỏ ra không ít kinh phí để chống ngập khu vực này.
Đặc thù điều kiện địa lý, nơi có nhiều sông suối, ao hồ chia cắt nên vào mùa mưa rất dễ xảy ra lũ lụt, sạt lở gây tắc đường. Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 6, khu vực vùng núi và Trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to. Trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao từ 100 - 150mm/24 giờ; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị.
Chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ tuyệt đối an toàn về người và tài sản theo Công điện số 2574/CĐ-UBND ngày 10/6/2024 của UBND tỉnh, Công điện số 57/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không được phép lơ là, chủ quan trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trước mắt, cần tập trung khắc phục những điểm sạt lở đường giao thông trong đợt mưa lũ vừa qua. Các phòng chức năng của huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo trì giao thông; các doanh nghiệp đang thi công dự án, công trình trên địa bàn chủ động phương tiện máy móc, để khi xảy ra sạt lở là khắc phục ngay, tránh ách tắc dài ngày, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Các đơn vị duy tu, bảo trì đường bộ, nhất là các tuyến quốc lộ, cần khảo sát, chủ động dự trữ nguyên, vật liệu tại các vị trí xung yếu để khắc phục, thông đường kịp thời. Với các vị trí ngầm, tràn thường xảy ra ngập úng, cần bố trí lực lượng chức năng túc trực, điều tiết, phân luồng giao thông; nhắc nhở, cảnh báo người dân không băng qua ngầm, tràn bằng mọi giá. Phải đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và người thân là trên hết.
Mùa mưa Tây Bắc còn kéo dài đến tháng 9. Do vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không nên ra sông vớt củi, bắt cá... Thực tế, trận mưa lớn đầu tháng 6 vừa qua, trên địa bàn một số huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà… có tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm ra sông với củi, rủi ro rình rập.
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều gia đình sống ven núi cao, ven sông suối, các tuyến giao thông, đã được cảnh báo nguy cơ sạt lở, ngập úng khi xảy ra thiên tai cục bộ. Các gia đình cần nâng cao ý thức phòng tránh sạt lở đất, nhất là khi chính quyền địa phương có cảnh báo, thông báo di dời khẩn cấp. Một mặt, Nhà nước nhanh chóng xây dựng hoàn thiện các khu, điểm tái định cư, vị trí bố trí dân cư để di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở đã được cảnh báo trước. Với những hộ dân không chấp hành, cần thực hiện cưỡng chế để di dời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Thiên tai bất ngờ và càng phức tạp hơn khi khí hậu biến đổi rõ rệt, không theo quy luật. Do vậy, cần làm tốt công tác dự báo thời tiết để người dân biết và chủ động phòng tránh, ứng phó. Nhiều người ở vùng cao vẫn ngủ lại trên nương, bên các ao cá để trông nom, bảo vệ tài sản. Khi xảy ra mưa lũ thường để lại hậu quả khôn lường. Thực tế đã có những trận lũ ống, lũ quét gây chết người do bà con ngủ lại bên các lán nương, ao hồ, không tiền của nào có thể bù đắp được.