Chủ động ứng phó khi thủy điện xả lũ
Thực hiện xả lũ, đưa mực nước hồ về mức an toàn nhằm đảm bảo công trình là quy định bắt buộc khi vào mùa mưa bão của các nhà máy thủy điện. Việc đảm bảo an toàn cho người dân hai bên bờ sông khi Nhà máy Thủy điện Thác Mơ xả lũ đã được các cơ quan và chính quyền địa phương thông báo trước đến toàn bộ người dân phía hạ du. Nhờ đó, người dân sinh sống ở vùng hạ du cũng đã chủ động các phương án ứng phó, không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và tài sản tại những nơi có thể ngập úng vào mùa mưa bão năm 2022.
Ngay từ đầu năm, Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ đã có các phương án phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong ảnh: Cửa xả lũ của Nhà máy thủy điện Thác Mơ
Thủy điện Thác Mơ nằm trên thượng nguồn sông Bé, thuộc địa phận 3 huyện, thị xã Phước Long, Bù Đăng và Bù Gia Mập. Hồ chứa của thủy điện có dung tích 1 tỷ 36 triệu mét khối nước cung cấp cho 3 tổ máy hoạt động với tổng công suất 225MW. Đây là công trình thuộc loại quan trọng đặc biệt quốc gia theo Quyết định số 470 của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ khi vận hành tổ máy đầu tiên vào đầu năm 1995 đến nay, nhà máy đã sản xuất hàng chục tỷ kW điện. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung và Bình Phước nói riêng.
Để phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ, trụ sở tại thị xã Phước Long đã triển khai các phương án phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có tính toán tới các tình huống xấu nhất là vỡ đập. Trước mùa mưa bão, công ty chủ động tập kết vật tư, thiết bị và bố trí cán bộ quản lý vận hành cũng như đảm bảo phương tiện, thông tin liên lạc, thiết bị cảnh báo đến vùng hạ du. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực hạ du biết về các quy trình trước khi nhà máy vận hành mở cửa van xả lũ để chủ động phòng tránh và di dời đến nơi an toàn.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ Đinh Văn Sơn cho biết: “Với phương châm “phòng là chính”, trong các phương án đơn vị đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền cho các hộ dân, khu dân cư ở khu vực hạ lưu. Thông qua các hoạt động tuyên truyền thường niên trước khi mùa mưa lũ đến nhằm cảnh báo cho các hộ dân khu vực hạ lưu, trong vùng trũng về những quy định trước, trong khi nhà máy xả lũ và những mốc ranh giới, phạm vi bị ảnh hưởng. Từ đó, người dân trong khu vực được cảnh báo sẽ có cách phòng, chống làm giảm thiểu thiệt hại đối với người và của trong quá trình lũ về”.
Việc điều tiết xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện Thác Mơ sẽ gây ngập lụt vùng hạ du, trọng điểm là xã Long Giang thuộc thị xã Phước Long và một số xã phụ cận thuộc địa bàn huyện Bù Gia Mập. An toàn tính mạng, tài sản của hàng ngàn người dân và tài sản trong vùng hạ du đang đặt ra yêu cầu cho chính quyền địa phương về các phương án cụ thể trong phòng ngừa, ứng phó và sơ tán dân.
Chỉ huy trưởng Quân sự kiêm Phó cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Long Giang Đỗ Quang Trung cho biết: “Xã có thôn An Lương là khu vực hạ du của Thủy điện Thác Mơ, hằng năm khi mùa mưa đến có từ 5-7 hộ dân bị ảnh hưởng việc xả lũ. Đồng thời, từ 5-7 ha cây trồng thuộc vùng trũng trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng ngập úng cục bộ. Vì vậy, cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các đợt tuyên truyền đến người dân chủ động phòng, chống. Trong đó, tập trung gia cố nhà cửa, tỉa cành cây xung quanh nhà và vận động các hộ dân sinh sống gần sông, suối thực hiện tốt công tác phòng, chống để không bị động, bất ngờ khi mùa mưa lũ đến”.
Vào mùa này của những năm trước, vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Ngọc Cảnh, thôn An Lương, xã Long Giang, do nước trên dòng sông Bé dâng lên gây ngập úng dẫn đến thất thu. Năm nay, được các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền về phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão và được thông báo sớm việc xả lũ của nhà máy thủy điện, anh Cảnh đã chủ động trong canh tác để mang lại kinh tế cho gia đình. Anh Cảnh cho biết: “Trước đây, do không chú tâm tham gia các buổi truyền thông về phòng, chống bão lũ, cũng như thông tin về thời gian và hồi, lệnh khi Nhà máy thủy điện Thác Mơ phát định, xả lũ… nên đến mùa là nước ngập lai láng vườn bưởi. Qua các buổi tập huấn, tuyên truyền của cơ quan, đơn vị chức năng, cùng với kinh nghiệm thì năm nay tôi cho vườn bưởi ra hoa sớm trước 1 tháng. Hiện nay, trái đã chín nên thu hoạch mang lại kinh tế cho gia đình, chứ không như những năm trước hư hao nhiều, thất thu”.
Có thể thấy, việc tuyên truyền về kinh nghiệm phòng tránh thiên tai cũng như tổ chức tập huấn cho cộng đồng vùng hạ lưu thích nghi với việc bị ngập cục bộ khi nhà máy thủy điện xả lũ được các địa phương, đơn vị liên quan đặt lên hàng đầu. Nhờ đó, người dân sinh sống ở vùng hạ lưu của nhà máy thủy điện đã chủ động các phương án ứng phó, không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và tài sản tại những nơi có thể ngập úng vào mùa mưa bão trong năm 2022.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/135014/chu-dong-ung-pho-khi-thuy-dien-xa-lu