Chủ động ứng phó mưa bão
Hiện thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương phía Nam đang bước vào mùa mưa bão. Nhằm chủ động phòng tránh thiệt hại khi có mưa lớn, bão xâm nhập, thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực, xây dựng các kịch bản ứng phó, bảo đảm an toàn cho người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Ảnh: Gia Minh
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, năm nay, mùa mưa đến sớm tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Từ đầu tháng 4-2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn. Trong cơn mưa thường kèm lốc xoáy, gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh trên đường ngã đổ. Đơn cử như giữa tháng 4 vừa qua, trận mưa lớn kèm gió giật đã làm một cây xanh trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) bất ngờ đổ xuống đường khiến 2 người đi trên xe máy bị thương, phải nhập viện cấp cứu.
Chị Trần Thị Phương Mai (ở phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) cho biết, mỗi khi chạy xe trên đường lúc trời mưa dông rất lo sợ thân cây bật gốc đổ xuống đường. Ở phường Hiệp Bình Chánh nơi chị Mai đang sống cũng thường xuyên bị ngập nước mỗi khi có mưa lớn. Còn theo anh Nguyễn Văn Thành (ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), xã đảo Thạnh An có vị trí “tiền tiêu” của thành phố Hồ Chí Minh trong việc “đón” bão. Vì thế, người dân ở xã đảo luôn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 568 khu vực xung yếu trong ứng phó bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Trong đó, thành phố Thủ Đức có số khu vực xung yếu nhiều nhất (67 khu vực xung yếu), tiếp đến là quận 6 (59 khu vực xung yếu). Ngay tại quận 1, trung tâm thành phố, có 49 khu vực xung yếu, nhiều thứ ba trong số 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Thành phố cũng có 433 khu vực trọng điểm trong ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xả lũ. Tất cả khu vực trên đang được các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị… để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) trong công tác phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố và ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xả lũ gây ra. Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng kịch bản cho 2 tình huống phải di dời, sơ tán dân khẩn cấp khi bão sắp đổ bộ trực tiếp vào thành phố.
Theo đó, tình huống 1, khi bão cấp 8-9 sắp đổ bộ trực tiếp vào thành phố, thành phố dự kiến sẽ di dời, sơ tán 114.078 hộ với 535.284 người. Tình huống 2, khi bão cấp 10-13 sắp đổ bộ trực tiếp vào thành phố, thành phố sẽ di dời, sơ tán 115.259 hộ với 539.376 người. Để triển khai thực hiện 2 tình huống trên, thành phố dự kiến huy động gần 30.000 người bao gồm các lực lượng quân sự, bộ đội biên phòng, công an, y tế, thanh niên xung phong, lực lượng xung kích…
Ngoài ra, thành phố cũng lên kế hoạch nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó với tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ. Theo đó, trong giai đoạn ứng phó với ngập lụt, các cơ quan chức năng có liên quan sẽ huy động lực lượng ứng trực 24/24 để nắm chắc diễn biến tình hình mưa lớn, triều cường, xả lũ nhằm kịp thời triển khai các phương án ứng phó. Thành phố dự kiến sẽ huy động gần 30.000 người bao gồm lực lượng nòng cốt của thành phố và lực lượng tại các địa phương. Hiện thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình phòng, chống ngập lụt, cống ngăn triều, bờ bao, hệ thống tiêu thoát nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Võ Văn Hoan cho biết, thành phố quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Thành phố đề nghị người dân tuân thủ các mệnh lệnh, chỉ dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng khi xảy ra thiên tai, bão lũ; đồng thời chủ động, nâng cao ý thức tự giác tham gia cùng chính quyền trong công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/998048/chu-dong-ung-pho-mua-bao