Chủ động ứng phó ngập lụt, sạt lở sau bão số 3

Bão số 3 sau khi đổ bộ vào khu vực đất liền từ Hải Phòng đến Thanh Hóa đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều địa phương ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực tối đa để ứng phó với tình hình, bảo đảm an toàn cho người dân, triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả.

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, thành phố Hải Phòng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào trạng thái sẵn sàng cao nhất. Các chỉ đạo được ban hành kịp thời, xuyên suốt từ thành phố đến 114 xã, phường, đặc khu thông qua hệ thống cầu truyền hình trực tuyến, dưới sự chủ trì trực tiếp của Chủ tịch UBND thành phố. Mục tiêu hàng đầu là bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của người dân, du khách, thành phố đã triển khai đồng bộ các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát, di dời hơn 17.000 người khỏi các khu vực nguy hiểm; tăng cường lực lượng ứng trực và tổ chức kiểm tra thực địa tại các điểm xung yếu... giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu thăm hỏi động viên các hộ dân. Ảnh: Đàm Thanh

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu thăm hỏi động viên các hộ dân. Ảnh: Đàm Thanh

Thăm, động viên bà con Nhân dân tại các điểm tạm lánh trên địa bàn phường Ngô Quyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Lê Tiến Châu nhấn mạnh: việc vận động người dân vào các điểm tạm lánh là quyết định cấp thiết nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe. Chính quyền các cấp sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối tài sản của người dân tại nơi cư trú; bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các điểm sinh hoạt tập trung...

Tại Quảng Ninh, trong sáng 22/7, các địa phương đã thông tin tình hình an toàn sau bão. Trên Facebook cá nhân, Bí thư đặc khu Cô Tô Lê Ngọc Hân cho biết, đã hết sức xúc động vì nhận được hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay tại Cột cờ chủ quyền trên đảo Thanh Lân sau khi bão đổ bộ. Lãnh đạo đặc khu cũng gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm và động viên của mọi người dành cho Cô Tô trong thời điểm khó khăn này.

Xác định bão số 3 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, từ nhiều ngày trước, công tác phòng, chống được các tỉnh, thành phố dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 3 ưu tiên hàng đầu. Sau khi bão đi qua địa bàn, tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ mực nước tại các sông suối, hồ chứa, sẵn sàng các phương án di dời người dân nếu tình hình diễn biến xấu. Các đội cứu hộ cũng được bố trí tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Vào khoảng trưa ngày 22/7, bão số 3 đi vào đất liền khu vực ven biển giữa Hưng Yên, Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/giờ và suy yếu dần. Tuy nhiên, hoàn lưu bão vẫn tiếp tục gây ra mưa lớn và gió giật tại nhiều khu vực.

Về công tác khắc phục hậu quả ban đầu, các địa phương có bão đi qua đã triển khai ngay các hoạt động đánh giá thiệt hại. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại, nhưng với sự chủ động trong công tác chuẩn bị, ứng phó, cùng với những nỗ lực khắc phục ban đầu, ảnh hưởng tiêu cực của bão số 3 được giảm thiểu tối đa, người dân bước đầu đã ổn định cuộc sống sau bão.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân

Theo bản tin cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 22- 23/7, ở khu vực phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa 20 - 50mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa. Ảnh: VGP

Ngay trong sáng và trưa 22/7, tại Thanh Hóa và Nghệ An mưa lớn đã gây ngập cục bộ nhiều nơi; nhiều xã khu vực miền núi phải di dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, hơn 100 hộ dân ở làng Mài, xã Hóa Quỳ (Thanh Hóa) bị cô lập do tuyến đường tràn bị ngập sâu, các phương tiện không thể di chuyển qua lại. Chính quyền địa phương đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức tiếp tế nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân.

Tại Nghệ An, trong sáng 22/7, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khe, suối, sông, hồ… trên địa bàn các xã Quế Phong, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ, Mường Quàng tiếp tục dâng cao... Các địa phương đã tổ chức họp khẩn chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ Nhân dân; sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các cầu tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn…

Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ"; chủ động ứng phó với hoàn lưu mưa sau bão, khẩn trương đưa người dân tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là vùng ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở ở vùng núi đến nơi an toàn. Đặc biệt, cần bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là tại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu đã được xác định. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, giảm thiểu thiệt hại.

Tuấn Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-dong-ung-pho-ngap-lut-sat-lo-sau-bao-so-3-10380624.html