Chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm trên biển
Sáng nay (28/6), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã đề nghị các địa phương ven biển và một số đơn vị liên quan triển khai các giải pháp để chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm trên biển.
Cụ thể, các địa phương ven biển cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo về diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), gây gió mạnh, sóng lớn trên biển để chủ động tham mưu các biện pháp ứng phó, phòng tránh. Phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu, tai nạn, sự cố có thể xảy ra. Khẩn trương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, lực lượng, vật tư, trang thiết bị để kịp thời tham gia ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu...
Sóng lớn trên biển Bình Thuận.
Trước đó, theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ sáng nay (28/6), vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 14,5- 15,5 độ Vĩ Bắc; 117,5-118,5 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành ATNĐ. Từ sáng mai (29/6), trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2,0- 4,0m; biển động. Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2- 3m, biển động. Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa biển Đông, khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 1.
Trước diễn biến thời tiết nguy hiểm, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển chủ động ứng phó.