Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines).
Trong công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; các cơ quan thông tấn, báo chí ngày 16/9, Bộ NNPTNT cho biết, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines).
Hồi 10h ngày 16/9/2024, ATNĐ có tọa độ 17,1 độ vĩ bắc, 124,4 độ kinh đông với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây với vận tốc 15-20km/h, cường độ cấp 7, giật cấp 9 và có khả năng mạnh lên thành bão (theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia).
Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24h tới: Từ vĩ tuyến 15,0-19,0, phía Đông kinh tuyến 118,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của ATNĐ đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT yêu cầu trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại cập nhật đến 17h00 ngày 16/9, bão số 3 và hoàn lưu đã khiến:329 người chết, mất tích (291 người chết, 38 người mất tích), 1.922 người bị thương.
Đã có 236.065 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 83.401 nhà bị ngập. 200.721 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại ; 50.642 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại ; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại ; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết;
Ngoài ra, 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV; 1.678 sự cố đường dây trung thế; 6.151.022 khách hàng bị mất điện (hiện còn 165.823 khách hàng bị mất điện), trong đó 315 khu công nghiệp, cụm công nghiệp bị mất điện; 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại (7 tuyến cáp trục liên tỉnh, 12 tuyến cáp trục nội tỉnh, 8.271 tuyến truyền dẫn nhánh); 210 cột ăng ten viễn thông bị gãy đổ; 10.230 trạm BTS bị mất liên lạc;
Đã xảy ra 667 sự cố đê điều trên địa bàn 14 tỉnh/thành phố, bao gồm: 79 sự cố sạt lở đê, 47 sự cố đùn sủi, 147 sự cố thẩm lậu, 200 sự cố lỗ rò thân đê, 9 sự cố nứt mặt đê, 78 sự cố tràn đê, 1 sự cố tràn đê cục bộ, 4 sự cố sập tổ mối, 7 sự cố rãnh xói mái đê, 82 sự cố cống, 4 sự cố sạt lở kè, 2 sự cố nứt kè, 6 sự cố sạt lở bờ sông, 1 sự cố vỡ đê;
Trong đó có: 353 sự cố trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; 314 sự cố trên các tuyến đê dưới cấp III.Về giao thông, 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc (567 vị trí do sạt lở, hư hỏng công trình; 253 vị trí bị ngập do nước lũ dâng cao) và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá là 5.760.041 m3; tuyến đường sắt phía Bắc bị ách tắc tại đoạn Đoan Thượng, Lào Cai; 4 sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân tạm ngừng khai thác trong ngày 7/9 khi bão đổ bộ.
Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 32.787 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.