Chủ động ứng phó với giá cả leo thang - Kỳ 1: Nhiều mặt hàng tăng giá
Việc liên tiếp tăng giá xăng, dầu và mới đây là giá gas đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng như đời sống người dân bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng tới ngưỡng lần lượt là trên dưới 30 ngàn đồng và gần 26 ngàn đồng/lít đã tạo áp lực lớn lên chi phí đầu vào các hoạt động kinh doanh, nhất là khâu sản xuất, vận chuyển. Mặt hàng vật liệu xây dựng vì thế cũng tăng giá khiến nhiều công trình khó đảm bảo tiến độ.
Công trình khó đảm bảo tiến độ do giá vật liệu tăng
Hiện nay, giá các loại vật liệu xây dựng như thép, cát, xi măng... đều tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Bà Nguyễn Thụy Lam Phương-Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tiến (TP. Pleiku)-cho biết: “Bắt đầu từ ngày 5-3, Công ty nhận được rất nhiều văn bản từ các nhà sản xuất thông báo việc tăng giá các loại vật liệu xây dựng. Có loại bắt đầu tăng giá từ ngày đầu tháng 4, nhưng cũng có loại từ ngày 10-3 đã tăng rồi”. Bà Phương cho biết thêm, từ trung tuần tháng 3 trở đi, giá các loại xi măng đều tăng trung bình 100.000 đồng/tấn; gạch tuynel các loại tăng trung bình 150 đồng/viên; thép Hòa Phát Hưng Yên cả loại cây lẫn cuộn đều tăng 600.000 đồng/tấn; thép Hòa Phát Bình Định các loại tăng 400.000 đồng/tấn...
Giá vật liệu xây dựng tăng thực sự trở thành bài toán khiến các chủ thầu xây dựng đau đầu. Ông Lê Ngọc Thân-Giám đốc Công ty TNHH Bảo Ân (huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Năm ngoái, giá thép tăng gần 50%, các loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng từ 20% trở lên. Thời điểm này, khi xăng dầu tăng giá, một lần nữa tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng theo khoảng 10-20%. Đối với nhà thầu như chúng tôi thì đó là khó khăn thấy rõ. Với công trình theo đơn giá cố định thì chúng tôi có thể đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh vốn đầu tư, nhưng nếu là công trình trọn gói thì xác định chịu lỗ”.
Đề cập vấn đề này, ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh-cho rằng: Việc tăng giá vật liệu xây dựng như hiện nay chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu. Nếu là công trình được điều chỉnh giá thì có thể xin điều chỉnh được, nhưng ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Còn với những công trình trọn gói thì nhà thầu buộc phải tự “gồng gánh”.
Vật tư nông nghiệp đội giá
Qua khảo sát tại một số cửa hàng vật tư nông nghiệp cho thấy, giá các loại phân bón cũng đã tăng khá cao so với cách đây vài tháng. Ông Cao Văn Quang-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần công-nông nghiệp Tiến Nông khu vực Tây Nguyên-cho biết: “Giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo chi phí vận chuyển bằng tàu biển tăng chóng mặt. Vì vậy, giá phân bón cũng tăng cao. Hiện tại, giá các loại phân DAP, ure, kali tăng 10-20%”.
Tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá phân DAP hiện dao động từ 980 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/bao 50 kg, phân kali bán ra giá 10,2-11 triệu đồng/tấn, phân NPK các loại dao động ở mức 12-15,5 triệu đồng/tấn… Theo nhận định của một số nhà phân phối phân bón trên địa bàn tỉnh, trong bối cảnh hiện nay, giá phân bón khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.
Cùng với việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá dầu diesel tăng khiến người trồng cà phê chồng chất nỗi lo. Ông Quy (làng Sao, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) không giấu được lo lắng: “Gia đình tôi chỉ có 1 ha cà phê, nhưng cũng tốn đến cả triệu đồng tiền dầu mỗi lần tưới. Giờ giá dầu tăng cao như vậy, không biết chúng tôi có trụ nổi không. Đó là chưa kể giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng đã tăng mạnh”.
Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) cho hay: Thời điểm này, người dân đang bắt đầu tưới đợt 2, có hộ tưới đợt 3 cho cây cà phê. Giá dầu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến việc tưới. “Mỗi đợt tưới, người dân chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, giá phân bón cũng tăng rất cao. Với các chi phí tăng kiểu này, mà tương lai có thể còn tăng nữa, nông dân thực sự khó gồng”-ông Dương thông tin.