Chủ động ứng phó với hạn hán
ĐBP - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta. Ðặc biệt, tình trạng hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng cây trồng. Trước tình trạng đó, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và nông dân đã chủ động các giải pháp để tiếp tục duy trì và phát triển nông nghiệp.
Cán bộ Công ty TNHH Thủy nông Ðiện Biên vận hành trạm bơm dã chiến tại bản Pa Pháy, xã Thanh Yên bơm nước cứu hạn lúa.
Cơ quan quản lý sớm có giải pháp
Tính đến ngày 5/4, toàn tỉnh có 248,25ha lúa đã bị thiệt hại do hạn hán; 325,58ha lúa đang thiếu nước; hơn 490ha lúa có nguy cơ bị hạn hán, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, TP. Ðiện Biên Phủ… Lúa đông xuân đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, nếu không có giải pháp chống hạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng và mục tiêu kế hoạch của ngành Nông nghiệp đề ra.
Nhiều tháng nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến mực nước của 12 hồ chứa thủy lợi do Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên quản lý, vận hành đều xuống thấp lịch sử và một số hồ ở mức “nước chết”. Căn cứ dung tích các hồ sau mùa mưa năm 2019 và dự báo thời tiết thủy văn vụ đông xuân năm 2020, Công ty đã chủ động các phương án để ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan, khô hạn kéo dài. Từ ngày 14/2, Công ty đã lắp đặt 5 trạm bơm dã chiến tại bản Ló, xã Thanh Luông; bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Hưng; khu C2 xã Thanh Yên với 12 máy bơm công suất 200m3 nước/giờ để bơm nước tưới cho những diện tích lúa bị khô hạn. Các máy bơm cỡ lớn hoạt động 24/24 giờ trong suốt gần 2 tháng qua để bơm nước từ các sông, suối vào hệ thống kênh dẫn, sau đó điều tiết vào đồng ruộng để cứu hạn cho cây lúa. Công ty phải điều chỉnh vận hành tưới luân phiên giữa kênh tả và kênh hữu để tiết kiệm nguồn nước và ưu tiên tưới cho những vùng bị khô hạn và có nguy cơ khô hạn. Ông Lê Văn Thi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Ðiện Biên cho biết: Từ đầu tháng 2, Công ty đã tăng cường cán bộ từ các cụm thủy nông trên địa bàn, thành lập đội chống hạn gồm 20 người với nhiệm vụ trực, vận hành các trạm bơm dã chiến (2 - 4 cán bộ/trạm bơm). Gần 2 tháng qua, Công ty đã chi khoảng 2 tỷ đồng chi phí nhân công, máy móc, nhiên liệu để triển khai các giải pháp cứu hạn cho lúa đông xuân. Do có sự chuẩn bị từ đầu vụ nên Công ty chủ động thực hiện các giải pháp chống hạn và tiếp tục cho đến khi cây lúa trổ bông, cho thu hoạch.
Trạm bơm dã chiến tại bản Pa Pháy, xã Thanh Yên (huyện Ðiên Biên) được Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên lắp đặt từ ngày 3/3 với 4 máy bơm cỡ lớn, hoạt động hết công suất để bơm nước vào hệ thống kênh dẫn, giải hạn cho lúa. Anh Lê Quang Thắng, cán bộ cụm thủy nông Pá Khoang cho biết: “Từ đầu tháng 3, Công ty điều động 3 cán bộ thuộc cụm thủy nông Pá Khoang tăng cường về khu vực bản Pa Pháy để vận hành trạm bơm dã chiến. Chúng tôi dựng lán trại tại khu vực đặt máy bơm, thay nhau trực đảm bảo trạm bơm luôn hoạt động. Trạm bơm này hút nước từ sông Nậm Rốm nên lượng nước dồi dào, đảm bảo cho các máy bơm luôn hoạt động hết công suất”.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Ðiện Biên gieo cấy 4.120ha lúa. Ðến thời điểm này, toàn huyện đã có 232,57ha lúa bị hạn hán và 261,83ha có nguy cơ khô hạn. Triển khai các giải pháp chống hạn cho lúa đông xuân, UBND huyện Ðiện Biên đã yêu cầu các xã vùng lòng chảo phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên điều tiết nước vào đồng ruộng. UBND huyện đã huy động 4 trạm bơm dã chiến cùng 1 trạm có sẵn tại xã Noong Luống, đồng thời trích ngân sách dự phòng mua 12 máy bơm công suất lớn và hệ thống ống dẫn nước để hỗ trợ các xã cứu hạn cho lúa đông xuân. Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: “Hiện nay, 12/12 máy bơm huyện hỗ trợ đã được lắp đặt và vận hành chống hạn cho lúa. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất hiện tại không thể cung cấp đủ nước cho đồng ruộng. UBND huyện chỉ đạo các xã chủ động điều tiết nước để tưới ẩm, duy trì quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất do hạn hán gây ra.”
Người dân đồng thuận vì lợi ích chung
Nhiều năm nay, người dân các bản: Loọng Tóng, C1, bản Ló… không còn lạ lẫm với việc trực lịch chia nước vào đồng ruộng vụ đông xuân. Do toàn bộ diện tích lúa đông xuân của các bản nằm trên kênh đại thủy nông Nậm Rốm nên nguồn nước sản xuất phụ thuộc vào hồ thủy lợi Pe Luông. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hồ Pe Luông không tích đủ nước để phục vụ sản xuất. Vì vậy, vụ đông xuân hàng năm, các bản sẽ được cấp nước theo lịch cố định đã thống nhất giữa Cụm thủy nông Pe Luông và UBND xã Thanh Luông.
Ông Cà Văn Thức, Trưởng bản Ló cho biết: Hàng năm, các thôn bản sử dụng nước hồ Pe Luông thống kê tổng diện tích lúa đông xuân của bản gửi UBND xã. Sau đó, dựa vào diện tích, UBND xã và Cụm thủy nông Pe Luông thống nhất lịch chia nước. Cứ 10 ngày thì được chia nước một lần. Bản có diện tích lúa lớn thì được chia 3 ngày nước, bản có diện tích ít hơn thì được chia 1 - 2 ngày nước. Từng bản cũng thành lập các tổ chia nước và thay phiên nhau điều tiết nước vào đồng ruộng khi đến lịch nhận nước. Những năm trước, do chưa thống nhất được lịch chia nước nên xảy ra tình trạng người dân các bản tranh nhau nước sản xuất, thậm chí còn xảy ra xô xát. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân đã thay đổi nhận thức, nhường nhịn nhau vì lợi ích chung nên tình trạng tranh nước không còn.
Hồ Sông Ún (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) không tích đủ nước để phục vụ sản xuất. Năm nào cũng vậy, hơn 30ha lúa đông xuân bản Pó (thị trấn Tủa Chùa) bị khô hạn. Những năm trước, khi cán bộ Cụm thủy nông Sông Ún mở nước, các hộ đầu kênh chặn dòng lấy nước vào ruộng khiến các diện tích ruộng cuối kênh không có nước dẫn đến tình trạng tranh chấp nước sản xuất liên tục xảy ra. Từ khi UBND thị trấn Tủa Chùa phối hợp với Cụm thủy nông Sông Ún họp dân và thống nhất lịch chia nước, hộ có ruộng đầu kênh chủ động dậy sớm để điều tiết nước trong khoảng thời gian quy định, sau đó mở dòng để các hộ tiếp theo lấy nước.
Chị Quàng Thị Pâng, bản Pó, thị trấn Tủa Chùa cho biết: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 3.000m2 lúa. Sau khi cấy được 15 ngày thì lúa bị khô hạn, chân ruộng bắt đầu nứt nẻ. Ðể giải hạn cho lúa đông xuân, tôi đã chủ động dùng máy bơm nhỏ để bơm nước từ suối vào ruộng. Hôm nay, theo lịch đến lượt bản tôi được chia nước nên tôi đã ra đồng từ 5 giờ sáng cùng với một số hộ khác đắp đập, ngăn dòng và bơm nước vào ruộng. Thời gian bơm nước khoảng 3 tiếng, sau đó phải mở dòng để các hộ phía cuối kênh lấy nước. Lượng nước bơm từ sông, suối chỉ đủ tưới ẩm cho lúa, không thể đáp ứng theo yêu cầu ở giai đoạn sinh trưởng. Tuy nhiên, có còn hơn không, bà con đều chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn để giảm thiểu thiệt hại cho cây lúa.
Biến đổi khí hậu đang và sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, song song với các điều chỉnh mang tính vĩ mô, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân cần phải chủ động thích ứng để tiếp tục duy trì và phát triển nông nghiệp địa phương.