Chủ động ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4

Bão số 4 đã đổ bộ vào đất liền chiều 19/9 và suy yếu thành vùng áp thấp. Tuy nhiên, hoàn lưu của bão trước đó đã gây mưa to đến rất to cho các tỉnh, thành miền Trung. Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thời tiết và nhận định, đánh giá tình hình địa bàn, các đơn vị BĐBP từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế (tâm bão đổ bộ) đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão.

BĐBP Quảng Bình cắt cử cán bộ ứng trực tại các ngầm tràn để hướng dẫn người dân di chuyển an toàn. Ảnh: Hoài Nam

BĐBP Quảng Bình cắt cử cán bộ ứng trực tại các ngầm tràn để hướng dẫn người dân di chuyển an toàn. Ảnh: Hoài Nam

Dự trữ 4 tấn lương thực đề phòng bị ngập lụt, chia cắt

Trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, BĐBP Quảng Bình đã kêu gọi 125 tàu/875 lao động đang hoạt động trên biển vào bờ tránh trú an toàn và tổ chức sắp xếp cho gần 1.000 tàu vào các khu neo đậu. Đồng thời, phối hợp với địa phương vận động, di dời 312 hộ/1.275 khẩu ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến các vị trí an toàn. Trong đó, Đồn Biên phòng (BP) Ra Mai đã phối hợp với địa phương vận động 153 hộ/731 khẩu di dời đến nhà người thân, nhà văn hóa cộng đồng và điểm trường để đảm bảo an toàn. Đồn BP Làng Ho phối hợp với địa phương vận động 36 hộ/160 khẩu di dời đến đoàn kinh tế-quốc phòng. Đồn BP cửa khẩu quốc tế Cha Lo di dời 19 hộ/65 khẩu ở khu vực Khe Sanh-bản Bãi Dinh và 30 hộ/102 khẩu ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa đến nơi an toàn. Đồn BP Cà Xèng tổ chức di dời 65 hộ/176 khẩu đến nơi an toàn. Đồn BP Cồn Roàng di dời 9 hộ/41 khẩu ở khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở bản Ban đến ở tại nhà văn hóa bản.

Đề phòng trường hợp bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, BĐBP Quảng Bình đã tham mưu cho địa phương vận chuyển gạo vào các địa bàn có nguy cơ ngập lụt, chia cắt, sẵn sàng cấp phát cho các hộ dân trong trường hợp chia cắt dài ngày và hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người dân di dời đến các vị trí an toàn. Cụ thể, Đồn BP Ra Mai tham mưu cho UBND huyện Minh Hóa dự trữ 1 tấn gạo (lưu giữ tại Đồn BP Ra Mai); hỗ trợ 5 thùng mì tôm, nước, bánh kẹo cho bà con nhân dân. Đồn BP Cà Xèng tham mưu cho UBND huyện Minh Hóa vận chuyển 2 tấn gạo vào lưu giữ tại Tổ công tác Yên Hợp của đơn vị. Đồn BP Làng Ho tham mưu cho xã Kim Thủy bảo đảm 1 tấn gạo, nước mắm, rau, cá khô, mì tôm, đơn vị hỗ trợ 12 thùng mì tôm cho 160 hộ dân bản Mít Cát, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy di dời lên đoàn kinh tế-quốc phòng.

Theo báo cáo của BĐBP Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn biên giới đã có mưa to đến rất to, gây ngập úng và chia cắt giao thông. Thống kê sơ bộ, quốc lộ 12A đoạn Km121+950 ở bản Y Leng, xã Dân Hóa (địa bàn Đồn BP cửa khẩu quốc tế Cha Lo) đang tắc đường do xe mắc bùn lầy, giao thông tạm thời gián đoạn; ngầm Ka Ai, Ka Định nước đã rút dưới 1m. Trong khi đó, trên địa bàn Đồn BP Ra Mai, nước sông lên nhanh gây chia cắt một số thôn bản. Cụ thể, tại xã Trọng Hóa, mức nước tại các ngầm tiếp tục dâng cao, gây chia cắt 7 bản. Ngoài ra, đoạn đường liên bản nối từ bản Rôôn đến bản Ka Ing (cách mố cầu Rôông) khoảng 20m xảy ra 1 điểm bị sạt lở có chiều dài khoảng 3,5m, cao khoảng 3m. Tại xã Thanh Hóa, mức nước sông Gianh đang lên nhanh; đường vào bản Hà và vào UBND xã Thanh Hóa nước ngập sâu từ 0,5-0,7m, người và phương tiện không qua lại được. Tại các thôn 1, 2 Bắc Sơn, 5 Thanh Lạng, nước dâng cao khoảng 1m tràn vào nhà một số hộ dân.

Còn tại địa bàn Đồn BP Cà Xèng, nhiều cầu tràn bị ngập khiến giao thông rất khó khăn. Theo đó, tại xã Thượng Hóa có 6 điểm cầu bị ngập từ 0,7-2,5m, riêng cầu tràn bản Ón đã ngập sâu; chân cầu vượt lũ bản Ón đã ngập khoảng 1m, xe máy không đi lại được khiến 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa bị chia cắt. Còn tại xã Hóa Sơn, có 4 điểm cầu bị ngập nước từ 0,8 đến 1,5m. Mưa lớn cũng khiến nhiều đoạn đường bị ngập nước và sạt lở như đường 20 (ĐT562) đoạn từ Phong Nha lên hang Tám Cô có nhiều đoạn bị ngâp, ở Km12 và Km16. Đoạn Km17+900 và Km25 nước ngập sâu, phương tiện không qua được. Tại Km43 có hai điểm sạt lở (chưa xác định được số lượng, mức độ). Các đồn BP đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng cắm biển báo, lập chốt tuyên truyền hướng dẫn người dân di chuyển theo hướng khác để đảm bảo an toàn.

BĐBP Quảng Trị bố trí nơi ăn, nghỉ cho người dân có nguy cơ bị sạt lở tại đơn vị. Ảnh: Nam Trung

BĐBP Quảng Trị bố trí nơi ăn, nghỉ cho người dân có nguy cơ bị sạt lở tại đơn vị. Ảnh: Nam Trung

Di dời, sơ tán hơn 2.300 hộ dân

Chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lũ sau bão, BĐBP Quảng Trị đã triển khai 48 tổ/212 lượt cán bộ, chiến sĩ chốt chặn các điểm xung yếu, ngập lụt cảnh báo, tuyên truyền nhân dân không qua lại khi nước dâng cao, phối hợp với chính quyền các xã di dời 142 hộ/583 khẩu ra khỏi nơi có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời sắp xếp 2.265 tàu/5.929 thuyền viên tàu nội tỉnh và 76 chiếc/546 thuyền viên tàu ngoại tỉnh vào tránh trú bão an toàn tại các cảng cá; tổ chức chốt chặn, cảnh báo, tuyên truyền cho bà con không qua lại khu vực nguy hiểm tại 18 điểm cầu tràn tại địa bàn của 7 đơn vị.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tỉnh Quảng Trị có mưa rất to gây ngập, chia cắt tại 33 điểm. Trong đó, quốc lộ15D có 1 điểm ngập 0,4m, làm tắc giao thông, Các tuyến tỉnh lộ bị ngập 4 điểm (cầu tràn Ba Lòng, đường ĐT.588a; cầu tràn Km25+800, đường ĐT.571; cầu tràn Km36+500, đường ĐT.586; cầu tràn La La, Km1+700, đường ĐT.587) ngập từ 0,4-0,8m, khiến giao thông bị chia cắt. Huyện Đakrông có 6 điểm, gồm cầu tràn A Ngo - A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo; ngầm tràn Ly Tôn; ngầm tràn thôn Làng Cát, xã Đakrông; ngầm tràn khu tái định cư xã Húc Nghì; cầu tràn Ba Lòng ngập từ 0,4-1,5m, gây chia cắt giao thông. Huyện Hướng Hóa có 20 điểm bị ngập và thị xã Quảng Trị có 2 điểm ngập gây khó khăn cho việc lưu thông. Hệ thống lưới điện lưới của huyện Vĩnh Linh bị hư hỏng nhiều đoạn, tuyến làm mất điện. Địa phương này đang thống kê và khắc phục để cấp điện trở lại. Hiện, các đơn vị BĐBP Quảng Trị đang tiếp tục tuần tra, kiểm tra, kiểm soát những địa bàn xung yếu có nguy cơ sạt lở, cùng với nhân dân khắc phục hậu quả sau bão số 4.

Được biết, để ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã tiến hành di dời sơ tán tổng cộng 2.322 hộ: Trong đó, sơ tán 2.230 hộ khu vực có nguy cơ ngập (Quảng Bình 874, Quảng Trị 1.073, Thừa Thiên Huế 283) và sơ tán 112 hộ khu vực có nguy cơ sạt lở (Quảng Nam 63, Hà Tĩnh 49).

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến sáng 20/9, bão số 4 đã làm 1 người bị thương (tại tỉnh Thừa Thiên Huế), 93 nhà hư hại như tốc mái, đổ tường; 2 điểm trường bị hư hỏng, tốc mái; ngập cục bộ đường, ngầm tràn 16 điểm và 13 điểm sạt lở.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-do-anh-huong-cua-bao-so-4-post481251.html