Chủ động ứng phó với ngập úng do mực nước các con sông lớn tăng trong mùa mưa lũ

Mực nước hạ du sông Hồng vẫn ở mức cao do các hồ thủy điện vận hành xả lũ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả tiêu úng của các cống tiêu vùng ven biển. Tính đến ngày 21/7, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ còn hơn 44.500 ha cây trồng bị ngập úng…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hiện khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ tính đến ngày 21/7 có 44.541 ha diện tích cây trồng bị ngập úng, giảm 11.440 ha so với ngày 20/7. Trong đó, Hà Nội 731 ha, Hà Nam 6.554 ha, Ninh Bình 9.886 ha, Nam Định 27.370 ha.

Dự kiến, sau 1-2 ngày vận hành công trình tiêu úng, diện tích trên sẽ hết ngập (nếu không tiếp tục có mưa lớn). Các địa phương đang vận hành 165 trạm/666 máy bơm; 16 cống để tiêu úng.

Hiện mực nước hạ du sông Hồng vẫn ở mức cao do các hồ thủy điện vận hành xả lũ, làm ảnh hưởng đến hiện quả tiêu úng của các cống tiêu vùng ven biển.

Cục Thủy lợi cho biết dự báo ngày 22/7, khu vực miền núi phía Bắc phổ biến 1-10mm (có nơi trên 50 mm), khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phổ biến dưới 3 mm. Từ đêm 22 đến 24/7, Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa to phổ biến từ 50-200 mm (có nơi trên 250 mm).

Do đó, Cục Thủy lợi đề nghị ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc khu vực tổ chức khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó cụ thể phù hợp với đặc điểm địa hình, dự báo tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng; lưu ý chuẩn bị kỹ phương án tiêu úng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

Đồng thời, các đơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ, vận hành hồ chứa thủy điện của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng tổ chức bơm tiêu nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo mưa, diễn biến mực nước thủy triều khi có mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước

Tại khu vực sông Mekong, theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP), diễn biến mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) trong tuần qua có xu thế tăng, đến ngày 18/7 đạt 1,8 m. Tuy nhiên, so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thấp hơn 1,52 m và thấp hơn năm 2023 là 0,04 m.

Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước tại trạm Tân Châu trên sông Tiền ngày 17/7 đạt 1,38 m; so với trung bình nhiều năm thấp hơn 0,48 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,17 m. Còn tại Châu Đốc trên sông Hậu mực nước đạt 1,49 m; so với trung bình nhiều năm thấp hơn 0,18 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,11 m.

SIWRP dẫn kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy hiện trong thời kỳ lũ đầu vụ, mưa trên lưu vực hạ lưu sông Mekong trong tuần qua ở mức cao do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới làm mực nước trên các trạm dòng chính tăng mạnh, đặc biệt khu vực hạ Lào và Campuhica.

Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) trong tuần qua có xu thế tăng với cường suất trung bình 51,3 cm/ngày. Đến ngày 19/7, mực nước 15,8 m; so với trung bình nhiều năm cùng kỳ cao hơn 1,25 m và cao hơn năm 2023 là 3,74 m.

SIWRP nhận định mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong tuần tới xảy ra trên lưu vực hạ lưu sông Mekong là không lớn.

Dù vậy, mưa lớn vẫn còn xảy ra do tác động của áp thấp nhiệt đới trong tuần qua. Do đó. nguồn nước trên dòng chính sông Mekong khu vực hạ Lào và Campuchia vẫn tiếp tục tăng trong 4 ngày tới, sau đó có xu thế giảm trở lại.

Dự báo trong tuần tới, nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng do lũ đầu nguồn đổ về kết hợp triều cường, lũ nội đồng Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng và biến đổi mạnh theo triều.

Mặt khác, theo nhận định của các tổ chức trong và ngoài nước từ nay đến cuối mùa lũ còn xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có nguy cơ gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong. Vì vậy, SIWRP kiến nghị các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh,…để xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng và kịp thời.

Thi Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-dong-ung-pho-voi-ngap-ung-do-muc-nuoc-cac-con-song-lon-tang-trong-mua-mua-lu.htm