Chủ động ứng phó với thiên tai

Long Phú là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã chuẩn bị các giải pháp ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Trong những năm qua, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Long Phú diễn biến khá phức tạp. Khi vào mùa mưa bão hay triều cường, các xã dọc tuyến sông Saintard và dọc tuyến sông Hậu thường dễ xảy ra sạt lở làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, tính mạng của người dân và gây nguy cơ mất an toàn cho các công trình hạ tầng trên địa bàn.

Một điểm sạt lở xảy ra ở xã Song Phụng (Long Phú) vào năm 2020. Ảnh: HẢI HÀ

Một điểm sạt lở xảy ra ở xã Song Phụng (Long Phú) vào năm 2020. Ảnh: HẢI HÀ

Trong năm 2020, trên địa bàn huyện có 13 điểm sạt lở bờ bao, bờ kè, lộ đal với tổng chiều dài 841m. Hiện nay, huyện đã khắc phục được 11 điểm, còn 2 điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Long Đức, xã Trường Khánh đang được huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục. Riêng những tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện đã có vài điểm sạt lở lộ đal ở xã Song Phụng và xã Châu Khánh. Những điểm sạt lở này bước đầu đã được chính quyền địa phương và nhân dân gia cố.

Để chủ động phòng tránh thiên tai, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đến tính mạng con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Long Phú đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư theo phương châm “chủ động phòng tránh - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương có hiệu quả”, trong đó lấy phòng tránh là chính. Theo đó, trong công tác phòng ngừa, ứng phó với tình trạng triều cường, hàng năm huyện sẽ tổ chức kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao để có biện pháp gia cố bảo vệ bờ bao, bảo vệ sản xuất; tổ chức di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; tuyên truyền, vận động người dân sống tại những khu vực bị sạt lở cần chủ động trong việc phòng ngừa, ứng phó.

Do đặc thù điều kiện tự nhiên của huyện gần với vùng cửa sông, nên có khá nhiều hộ dân sinh sống rải rác ven sông và dọc theo các tuyến đê, trong đó có nhiều nhà thô sơ và nhà bán kiên cố, không có khả năng chống chịu khi xảy ra gió bão ở cấp độ cao. Vì vậy, huyện xem công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng ngừa, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới là giải pháp trước mắt và tối ưu nhất.

Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Long Phú cho biết: “Hiện nay, người dân đã nâng cao ý thức trong việc phòng chống thiên tai, qua vận động, nhiều hộ sinh sống trên nhà sàn ở ven sông lớn, nơi có nguy cơ cao về sạt lở đã di dời tới nơi an toàn. Ngoài ra, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các điểm xung yếu trên địa bàn huyện để có hướng gia cố. Nếu công trình nào không đủ kinh phí sẽ kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ đầu tư, nâng cấp kịp thời để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ được diện tích sản xuất nông nghiệp”.

HẢI HÀ

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-48428.html