Chủ động ứng phó với thiên tai

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai ở Việt Nam nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành của tỉnh luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm 'Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả'.

Bờ, vở sông tả Thao thuộc khu dân cư Cao Bang, xã Thanh Minh và khu dân cư Lê Đồng, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ bị sạt lở nghiêm trọng đã được đầu tư kè khẩn cấp cuối năm 2023.

Bờ, vở sông tả Thao thuộc khu dân cư Cao Bang, xã Thanh Minh và khu dân cư Lê Đồng, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ bị sạt lở nghiêm trọng đã được đầu tư kè khẩn cấp cuối năm 2023.

Diễn biến cực đoan

Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, nhiều khu vực đồi núi, vùng sâu, vùng xa; hạ tầng giao thông đi qua nhiều vùng có địa hình hiểm trở, nhiều tuyến đường bị cô lập, sạt lở, sạt trượt khi có mưa lũ xảy ra gây khó khăn cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hơn nữa, một số hình thái thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa lớn ngày càng cực đoan, diễn biến bất thường với cường độ lớn, phạm vi hẹp, nên khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo cũng như công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN), năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 đợt thiên tai gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương với tổng thiệt hại ước tính 41,5 tỷ đồng.

Cụ thể: Thiên tai đã làm 1 người chết, 1 người bị thương; đổ sập 2 nhà, tốc mái, hư hỏng 691 nhà; hư hại 25 điểm trường, 8 phòng học, 4 cơ sở y tế, 5 công trình văn hóa, 1 di tích lịch sử văn hóa; hư hỏng 1.105ha lúa, 752,3ha hoa và rau màu, 1ha cây trồng lâu năm, 20ha cây trồng hàng năm, 45ha cây ăn quả tập trung, 110ha rừng; làm chết 3 con gia súc, 200 con gia cầm, tràn vỡ 40,5ha ao cá; hư hỏng 585m kênh mương, 6.920m bờ vở sông, 2.000m kè, 4 cống qua đê; sạt lở 2.550m3 đất đường giao thông, 40m đường giao thông; 1 trạm biến áp bị cháy, 42 cột điện bị gãy đổ; hư hỏng 2 trụ sở cơ quan, 1 nhà xưởng; đổ 3.507m tường rào và một số thiệt hại khác.

6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 7 đợt mưa dông gây thiệt hại: Làm 1 người chết do bị nước cuốn trôi, 3 người bị thương; 1.098 nhà bị hư hỏng, tốc mái; hư hỏng 14 nhà văn hóa, 60 trường học, 6 cơ sở y tế, 11 trụ sở cơ quan, 15 nhà xưởng; hư hỏng 350,2ha lúa, 624,4ha rau màu; gãy, đổ 227,5ha cây lâu năm, 201,8ha chuối, 1ha cây hồng không hạt; làm chết 2.100 con gia cầm; cháy 1 trạm biến áp; đổ 3 cột viễn thông, 1 cột điện cao thế, 211 cột điện hạ thế, 3.767m tường rào và một số thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 58,4 tỷ đồng.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, từ tháng 5 đến tháng 10 nhiệt độ có thể cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,0oC; lượng dòng chảy trên các sông trong tỉnh khả năng ở mức thấp hơn TBNN 10-30%, riêng sông Bứa khả năng cao hơn TBNN 20-40%; lượng mưa trên các khu vực trong tỉnh từ tháng 8 đến tháng 9 phổ biến ở mức cao hơn từ 10-30% so với TBNN.

Từ tháng 6 đến tháng 8, nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt, mực nước các sông có dao động mạnh do là các tháng chính vụ mùa lũ.

Thanh Sơn là huyện miền núi nên các sông, suối nhỏ chảy qua có độ dốc lớn, khi mưa to kéo dài thường xảy ra lũ ống, lũ quét, lưu lượng dòng chảy lớn, sức tàn phá khó lường.

Đồng chí Phùng Minh Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trước dự báo tình hình thiên tai năm nay, huyện đã chủ động xây dựng phương án với phương châm “ba sẵn sàng” và “bốn tại chỗ”. Trong đó, lấy công tác phòng là chính, từ ứng phó đến hành động sớm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Các địa phương chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện cho từng trọng điểm PCTT, vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, ngập lụt, chuẩn bị các phương án sơ tán dân. Đồng thời chú trọng tăng cường công tác thông tin cảnh báo, dự báo, đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt; kịp thời khắc phục hậu quả nếu có thiên tai xảy ra.

Chủ động với mọi tình huống, khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh và các địa phương nhanh chóng triển khai các phương án, tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo sinh hoạt cho người dân, thực hiện hỗ trợ theo quy định.

Khi có tình huống mưa lũ xảy ra xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn luôn chủ động cắt cầu phao để đảm bảo an toàn cho Nhân dân.

Khi có tình huống mưa lũ xảy ra xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn luôn chủ động cắt cầu phao để đảm bảo an toàn cho Nhân dân.

Chủ động ứng phó

Diễn biến thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, khó dự báo, do đó, việc phòng, chống thiên tai ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thiệt hại do những đợt thiên tai gây ra là hết sức nặng nề, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức mới khắc phục được. Trước tình hình đó, cấp ủy và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng Nhân dân tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống.

Với quan điểm, mục tiêu “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cơ quan, đơn vị, địa phương đã được kiện toàn, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành hoạt động PCTT&TKCN.

Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực, tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng trực tiếp làm công tác PCTT. Chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai được nâng cao; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống ứng phó thiên tai được tăng cường.

Công tác thường trực, trực ban và báo cáo công tác PCTT&TKCN được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng quy định. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định, các kế hoạch, phương án PCTT đã được ban hành; xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm; kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, PCTT.

Công tác chỉ huy ứng phó và tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện kịp thời, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân; đồng thời rà soát, đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của các công trình PCTT, đặc biệt là các công trình đê điều, hồ đập, bảo vệ tốt hệ thống rừng phòng hộ... đã góp phần quan trọng nâng cao khả năng bảo vệ người dân trước thiên tai.

Khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tại địa phương đã chủ động tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo sinh hoạt cho người dân, thực hiện hỗ trợ theo quy định.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, công tác PCTT của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác PCTT còn thiếu đồng bộ; hệ thống các công trình hồ đập, kênh mương, cống... được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp.

Nhiều công trình, dự án liên quan hoặc được lồng ghép về nhiệm vụ PCTT trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện, tuy nhiên, do nguồn kinh phí bố trí còn hạn chế, tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài...

PCTT là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, thiết thực góp phần bảo vệ cuộc sống người dân và những thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng thì điều quan trọng là mỗi người dân, cộng đồng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động theo dõi thông tin thời tiết để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng dân cư.

Đồng chí Nguyễn Hùng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Theo dự báo, thời tiết năm nay vẫn tiếp tục diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi vậy công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng từ tỉnh đến địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, các địa phương, đơn vị cần xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể trên cơ sở bám sát thực tiễn, đặc biệt quan tâm đến phương án phòng, chống ứng phó với các hình thái thiên tai nguy hiểm như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình liên quan đến PCTT, các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn; bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra công trình trước, trong và sau thiên tai; chuẩn bị vật tư tại chỗ, bố trí lực lượng sẵn sàng huy động khi cần thiết. Thực hiện công tác quản lý đầu tư, xây dựng và duy tu các công trình đê điều, hồ đập, công trình PCTT theo đúng quy định; huy động tối đa các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTT...

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-215587.htm