Chú hiếp dâm cháu gái ở Hải Phòng: Phạm tội lần 2... nên thiến hóa học?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học.

Mới đây, Công an TP Hải Phòng đã khởi tố Đỗ Văn Lại (trú tại xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) để điều tra hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đáng chú ý, nạn nhân bị Lại hiếp dâm chính là cháu ruột và hành vi của nghi phạm này đã khiến cháu bé mang thai.

Đây không phải lần đầu tiên nghi phạm thực hiện hành vi hiếp dâm trẻ em. Trước đó, Đỗ Văn Lại từng nhận án tù vì tội hiếp dâm trẻ em vào năm 1999 và ra tù trước thời hạn vào năm 2015.

Vụ việc trên khiến dư luận bức xúc, bởi hành vi táng tận lương tâm của đối tượng gây ra cho chính cháu ruột dẫn đến những hậu quả nặng nề khi cháu bé không chỉ bị tổn thương về thể chất, mà còn bị ảnh hưởng đến tinh thần. Hơn nữa, đối tượng từng phải chịu án về tội hiếp dâm nhưng không hối cải vẫn gây ra hành vi với chính cháu ruột của mình.

Nghi phạm Đỗ Văn Lại. Ảnh: Công an cung cấp.

Nghi phạm Đỗ Văn Lại. Ảnh: Công an cung cấp.

Đối mặt mức án cao nhất

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm đạo đức xã hội đến mức phải lên án mạnh mẽ. Bởi mối quan hệ giữa đối tượng và nạn nhân là quan hệ chú cháu ruột.

Thông tin từ cơ quan công an cho thấy, năm 1999, Đỗ Văn Lại đã từng có tiền án về tội xâm phạm tình dục trẻ em (Hiếp dâm trẻ em). Dù đã được cải tạo giáo dục bằng bản án tù nhưng đối tượng vẫn chứng nào tật nấy gây ra hành vi phạm tội với chính cháu gái của mình. Do đó, hành vi của đối tượng không chỉ đáng lên án mà phải bị trừng trị bởi chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Hiện nay, tội hiếp dâm trẻ em theo BLHS năm 1999 mà đối tượng từng bị kết án đã sửa đổi thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 tại điều 142.

Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc trên, đối tượng đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi và cũng có thể thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn. Bởi thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng cho thấy, đến nay, nạn nhân mới 14 tuổi mà đối tượng đã thực hiện nhiều lần hành vi quan hệ tình dục khiến nạn nhân có thai 14 tuần tuổi. Bởi vậy, những lần quan hệ tình dục đầu có thể nạn nhân chưa đủ 13 tuổi.

Với hành vi “phạm tội 2 lần trở lên” và “làm nạn nhân có thai” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm b và điểm đ khoản 2, điều 142 bộ luật hình sự năm 2015, đối tượng phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Đồng thời với nhân thân xấu, đã từng có tiền án về tội danh này và phạm tội với cháu ruột nên đối tượng này sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc có thể là mức án cao nhất đến 20 năm tù.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Cần xem xét bổ sung hình thức thiến hóa học

Cùng với việc đề nghị xử phạt kịch khung, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài xử lý về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung, mở rộng hình thức phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em như việc thiến hóa học. Bởi nếu thiến hóa học được áp dụng sớm, đối tượng trên sẽ không thể thực hiện hành vi xâm hại tình dục với chính cháu ruột của mình.

Hình thức thiến hóa học với tội phạm xâm hại trẻ em đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Indonesia và Hàn Quốc là 2 quốc gia tiên phong của châu Á áp dụng luật thiến hóa học.

Tại Việt Nam, trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em phức tạp, tại phiên họp trực tuyến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 27/5/2020 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đề nghị nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói rằng, nếu áp dụng thiến hóa học vào chế tài xử phạt ít nhất là sẽ giảm được 50% xâm hại tình dục trẻ em.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hiện nay, nhiều quốc giá trên thế giới, với các đối tượng xâm hại tình dục được chia làm 2 nhóm: Một nhóm là do bệnh lý, nhóm thứ hai là do nhân cách thấp kém.

Theo đó, nhóm do bệnh lý sẽ can thiệp bằng y học, trong đó có biện pháp thiến hóa học, tiêm hóa chất để làm ổn định khả năng và nhu cầu tình dục, kiểm soát hoạt động tình dục bằng cách chữa bệnh để trở lại trạng thái bình thường.

Đối với những người không bị bệnh lý dẫn đến việc thực hiện hành vi xâm hại tình dục, nguyên nhân là bởi đạo đức nhân cách thấp kém, ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm, sức khỏe của người khác. Với những đối tượng này sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, thường sẽ là chế tài phạt tù.

Theo luật sư Cường, ở Việt Nam, hành vi xâm hại tình dục đến mức xử lý hình sự chỉ áp dụng chế tài hình sự chứ không có những can thiệp bằng biện pháp y tế.

“Trước đây khi sửa đổi bộ luật hình sự thì cũng nhiều ý kiến đưa ra là cần phải phân loại, với những đối tượng phạm tội do yếu tố bệnh lý tình dục thì cần phải áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh, cần có can thiệp bằng y tế để giảm nhu cầu tình dục của đối tượng có bệnh lý. Tuy nhiên ý kiến này vẫn chưa được thống nhất nên chưa đưa vào luật” – luật sư Cường cho biết.

Ông chỉ ra thực tiễn cho thấy, những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục thường có xu hướng tái phạm do yếu tố bệnh lý hoặc đạo đức nhân cách thấp kém.

Bởi vậy, nếu là do bệnh lý dù có giam cầm bao lâu, khi trở về với đời sống xã hội, người đó vẫn có nguy cơ xâm hại tình dục rất cao so với những người khác. Khi ham muốn bản năng quá lớn và lấn áp lý trí, đạo đức đến mức độ bị bệnh, rất khó kiểm soát hành vi và rất dễ tái phạm.

Do đó, luật sư Cường cho rằng, Việt Nam cũng cần nghiên cứu để áp dụng biện pháp hành chính là thiến hóa học để kiểm soát nguyên nhân điều kiện phạm tội giảm nguy cơ xâm hại tình dục ở những người có bệnh lý về tình dục mới đảm bảo an toàn cho xã hội.

“Hoạt động giáo dục và hoạt động chữa bệnh là hai hoạt động khác nhau phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, điều kiện của chủ thể khác nhau. Bởi vậy, hoạt động cải tạo giáo dục không thể thay thế được hoạt động chữa bệnh đối với những người có bệnh lý về tình dục. Bởi vậy, cần phải phân biệt rõ hai đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục (bệnh lý và nhân cách đạo đức) để có những giải pháp tích cực hơn” - luật sư Cường nêu ý kiến.

Mời độc giả xem thêm video Truy tìm thanh niên chặn đường, hiếp dâm bé gái 12 tuổi

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chu-hiep-dam-chau-gai-o-hai-phong-pham-toi-lan-2-nen-thien-hoa-hoc-1513352.html