Chủ homestay ở núi Cấm kêu cứu vì bị dừng hoạt động, lãnh đạo An Giang lên tiếng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã có văn bản đề nghị các sở ngành liên quan làm rõ các phản ánh loạt homestay trên núi Cấm bị yêu cầu buộc tạm dừng hoạt động.
Chủ homestay "kêu cứu"
Ngày 19/9, trao đổi với PV VietNamNet, chị Nguyễn Thị Kim Quí, chủ homestay Thiên Cấm Sơn cho biết, việc đột ngột dừng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn tới việc kinh doanh.
Theo chị Quí, đầu năm 2022, chị cùng người thân tới núi Cấm mướn nhà ở thuê. Nhận thấy tìm năng du lịch, chị quyết định phát triển mô hình kinh doanh lưu trú khách du lịch.
“May mắn thuê được mảnh đất rộng gần 1.000m2 với giá 2,5 triệu đồng/tháng, tôi mạnh dạn vay vốn, đầu tư hơn 1 tỷ đồng cất 17 căn lều cùng 1 homestay. Nguyên vật liệu làm công trình chủ yếu từ tre, không chặt phá rừng, bê tông hóa”, chị Quí cho hay.
Chủ homestay Thiên Cấm Sơn thông tin thêm, các homestay buộc dừng hoạt động nên hầu hết nhân viên phải nghỉ việc, xe ôm là người địa phương làm công việc đưa đón khách cũng bị giảm thu nhập.
“Tôi rất bất ngờ với yêu cầu dừng hoạt động. Hiện chúng tôi đã nhận đặt cọc của hơn 100 khách du lịch từ nay đến dịp Tết, khả năng cao phải đền tiền cọc. Không thể đón khách đồng nghĩa với việc không có tiền chi trả nợ ngân hàng, trả tiền lương cho nhân viên”, vị chủ homestay chia sẻ.
Trong khi đó, tại homestay Phú Sỹ, cơ sở này cũng đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng cất 4 căn nhà che gỗ lá, 1 homestay.
Anh Đặng Văn Sỹ, chủ homestay Phú Sỹ cho biết hoạt động từ 30/4/2022, bình quân đón 400-600 lượt khách/tháng. Bị yêu cầu dừng hoạt động, homestay này mất nguồn thu 120-150 triệu đồng/tháng đến từ dịch vụ lưu trú và ăn uống.
“Tỉnh khuyến khích, vận động phát triển du lịch, tổ chức đào tạo giao tiếp bằng tiếng anh, các cuộc thi nấu ăn, đi học hỏi kinh nghiệm thực tế ở TP Cần Thơ. Các hoạt động đang diễn ra suôn sẻ thì đột ngột UBND xã yêu cầu dừng hoạt động”, anh Sỹ trăn trở.
Chủ homestay Đồi đá, anh Nguyễn Chí T. cho biết hiện anh đang là giáo viên Trường THCS núi Cấm. Vợ anh cũng là giáo viên mầm non, nhà có tới 5 nhân khẩu, cuộc sống chật vật nên phát triển du lịch kiếm thêm thu nhập.
Theo anh Tâm, du khách tới núi Cấm chỉ hành hương rồi về, vì vậy cần phát triển mô hình lưu trú để thu hút, giữ chân du khách.
“Ngoài việc đi dạy, tôi cũng muốn phát triển du lịch để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng mới đây, tôi vừa bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách do xây, cất trái phép trên núi Cấm”, anh T. tâm sự.
Qua tìm hiểu, các chủ homestay trên núi Cấm mong được các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn để hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Làm rõ phản ánh loạt homestay dừng hoạt động
Nguồn tin của PV VietNamNet, ngày 18/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã có văn bản đề nghị các sở ngành liên quan làm rõ các phản ánh của chủ homestay về việc bị buộc tạm dừng hoạt động trên núi Cấm.
UBND tỉnh An Giang giao Sở Xây dựng phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, UBND thị xã Tịnh Biên khẩn trương tham mưu để tỉnh tăng cường công tác quản lý loại hình lưu trú homestay trên núi Cấm.
Như đã đưa tin, UBND xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã thông báo cho 10 chủ homestay trên núi Cấm dừng hoạt động kinh doanh lưu trú khách du lịch từ ngày 11/9 để chờ ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện.
Trước đó, UBND thị xã Tịnh Biên đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang xin chủ trương xử lý xây dựng loại hình lưu trú homestay trên địa bàn núi Cấm.
Theo UBND thị xã Tịnh Biên, các homestay được xây dựng hầu hết ở những vị trí có địa hình lồi lõm, cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc cao với kết cấu tạm bợ, không đồng bộ và có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào khi gặp gió lớn.
Từ thực trạng trên, địa phương này đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho địa phương tiến hành xử lý, buộc tháo dỡ theo quy định với các homestay xây dựng không phép đang tồn tại trên núi Cấm.