Chu kỳ Mặt Trời 'hô biến' mây xung quanh Sao Hải Vương
Thông qua phân tích các dữ liệu tổng hợp trong suốt 30 năm từ Kính viễn vọng Không gian Hubble của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Đài quan sát W. M. Keck ở Hawaii và Đài thiên văn Lick ở California, các nhà thiên văn đã phát hiện ra nguyên nhân khiến các đám mây xung quanh Sao Hải Vương tan biến dần.
Theo báo cáo công bố ngày 18/8 của NASA, chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời đã gây ra tình trạng mất dần những đám mây bao quanh Sao Hải Vương. Đây là một phát hiện khiến giới chuyên môn ngạc nhiên, bởi Sao Hải Vương là hành tinh lớn xa nhất trong Thái Dương hệ và tỷ lệ ánh sáng Mặt Trời mà hành tinh này nhận được chỉ bằng khoảng 0,1% so với cường độ mà Trái Đất tiếp nhận.
Bà Imke de Pater - Giáo sư thiên văn học danh dự tại UC Berkeley và là tác giả chính của nghiên cứu này - cho biết: “Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy mây biến mất nhanh như thế nào trên Sao Hải Vương". Theo nhà khoa học này, độ che phủ của mây bắt đầu mờ dần từ năm 2019, quanh các vĩ độ trung bình. Điều này cho thấy Mặt Trời và chu kỳ hoạt động 11 năm của hành tinh này không chỉ tác động tới những hành tinh ở gần như Trái Đất, mà còn đủ sức mạnh để gây biến động lớn đến hành tinh rất xa như Sao Hải Vương.
Để theo dõi sự thay đổi về diện mạo của Sao Hải Vương, các chuyên gia đã phân tích hình ảnh hình ảnh do Đài quan sát W.M. Keck chụp từ năm 2002 đến 2022, các dữ liệu của Kính viễn vọng Không gian Hubble bắt đầu từ năm 1994 và dữ liệu từ Đài thiên văn Lick từ năm 2018 đến 2019. Những chuỗi hình ảnh này cho thấy rõ rệt quá trình tăng và giảm lượng mây che phủ trên Sao Hải Vương - xuất hiện dưới hình dạng một quả cầu màu xanh đậm treo lơ lửng, được điểm xuyết những mảng màu trắng sáng. NASA kết luận rằng khí quyển nhiều mây của Sao Hải Vương dường như phụ thuộc vào hoạt động của Mặt Trời, chứ không phải 4 mùa của hành tinh này, mỗi mùa kéo dài khoảng 40 năm.
Chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời gồm giai đoạn hoạt động thấp và giai đoạn hoạt động mạnh mẽ như hiện tại. Trong giai đoạn hoạt động mạnh, chu kỳ này đang khiến lớp từ quyển bảo vệ Trái Đất liên tục hứng chịu các luồng sóng xung kích, gây ra bão địa từ. Với Sao Hải Vương, những thời khắc chuyển giao giai đoạn trong chu kỳ hoạt động của Mặt Trời tạo ra bức xạ cực tím cao hơn bình thường. Phản ứng quang hóa trong giai đoạn bức xạ cực tím cao đã tạo ra lớp mây dày đặc mà NASA từng thấy trên hành tinh này. Sau đó, các đám mây này mờ dần theo thời gian, chờ đợi một giai đoạn chuyển tiếp khác nữa để lại trở nên dày đặc.
Hiện nay, Mặt Trời đang tiến gần đến đỉnh cao của chu kỳ. Khi đạt đỉnh - có thể vào năm 2025 hoặc sớm hơn, Mặt Trời sẽ đảo ngược cực từ và chuyển sang giai đoạn "hiền hòa". Khi đó, bão địa từ sẽ bớt hoành hành trên Trái Đất, còn Sao Hải Vương có thể sẽ lại ngập mây. Hành tinh màu xanh này khi đó sẽ sáng hơn vì có nhiều mây để phản quang hơn. Điều này lý giải hiện tượng Sao Hải Vương rất sáng trong các hình ảnh quan sát ghi lại năm 2002, mờ đi vào năm 2007, rực sáng trở lại vào năm 2015 và hiện tại lại đang rất mờ.